Bảo tồn nên hài hòa với phát triển

ANTĐ - Cùng với Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc là một trong 2 đàn tế quan trọng trong thời kỳ quốc gia quân chủ. Năm 2006, khi khởi công dự án nút giao thông Kim Liên - Ô Chợ Dừa, di chỉ này được khai quật, sau đó vì không có điều kiện, toàn bộ di chỉ được lấp cát và bảo tồn tại chỗ. Mới đây, khi Dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa được công bố, đã có một số ý kiến bày tỏ lo ngại, việc xây cầu sẽ ảnh hưởng đến di chỉ. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phan Đình Tân - Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL xung quanh dự án kể trên.
Bảo tồn nên hài hòa với phát triển ảnh 1
Phối cảnh cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa

- PV:  Thưa ông, xuất phát từ quan điểm nào, Bộ VH-TT&DL đồng ý với chủ trương xây cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa?
-  Ông Phan Đình Tân: Sở dĩ, Bộ VH-TT&DL đồng ý việc triển khai dự án xây cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, bao năm nay, nút giao thông này luôn là trọng điểm ùn tắc. Thứ hai, dự án này không hề đụng chạm đến vùng bảo tồn của di tích. Quan điểm của Bộ VH-TT&DL được  thể hiện rõ trong các Công văn 2461 ngày 3-8-2011 và  Công văn 2511 ngày 25-7-2012 gửi Sở   VH-TT&DL Hà Nội: thống nhất với phương án xây cầu vượt, nhưng cũng lưu ý “trong quá trình xử lý móng trụ cầu vượt số 2 và số 3, cần tính toán kỹ lưỡng giải pháp thi công phần móng các trụ cầu, để tránh ảnh hưởng đến khu vực di tích Đàn Xã Tắc.  Bộ VH-TT&DL cũng đã yêu cầu chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công, trong trường hợp phát hiện dấu tích kiến trúc hoặc di vật, cổ vật, cần thông báo ngay với cơ quan có thẩm quyền về văn hóa để nhanh chóng có phương án xử lý kịp thời, nhằm bổ sung thêm các tư liệu khoa học cho di tích Đàn Xã Tắc. Việc này chúng tôi đã xây dựng phương án, các bên liên quan có cam kết dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. - Trước khi đưa ra thỏa thuận, Bộ  VH-TT&DL có lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như quy hoạch đô thị hay không?
- Chúng tôi đã tổ chức một số hội nghị, hội thảo để ghi nhận ý kiến đóng góp từ phía các nhà khoa học. Đây là một di tích có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, vì thế cần được bảo tồn ở điều kiện tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế nhất. Quan điểm của chúng tôi là bằng mọi giá phải bảo vệ di sản, chứ không phải như một số ý kiến cho rằng, Bộ VH-TT&DL đồng ý với việc xây cầu vượt là phá bỏ di tích. Bảo tồn nhưng cũng phải hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang khó khăn, vấn đề giao thông đô thị rất nan giải. Tôi nghĩ, khi chúng ta chưa đủ điều kiện kinh tế và kỹ thuật bảo quản di chỉ sau khi khai quật thì tạm gửi vào lòng đất, khi nào có điều kiện sẽ tiếp tục nghiên cứu. Song, việc bảo tồn di tích cũng cần đảm bảo việc phát triển giao thông đô thị khu vực này. - Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ông Trần Đình Thành, Phó phòng Quản lý di sản, Cục Di sản Văn hóa: Các trụ móng cầu không nằm trong di tích

Bảo tồn nên hài hòa với phát triển ảnh 2
Thiết kế cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa cho thấy, cầu chỉ chờm lên rìa không gian di tích 1,5m


Từng có 5 phương án được đưa ra, có phương án móng nằm vào di tích, có phương án cầu nằm toàn bộ phía trên di tích, có phương án thì giải tỏa quá nhiều hộ dân, có phương án sau khi nghiên cứu thì thấy không đảm bảo về thiết kế giao thông… Sau rất nhiều lần bàn thảo, lấy ý kiến từ nhiều phía, cơ quan chức năng đã thống nhất lựa chọn phương án 2C-1, phương án này hài hòa giữa 3 tiêu chí: hạn chế giải tỏa, ổn định cuộc sống cho người dân và đảm bảo yếu tố kỹ thuật. Nút giao thông này cũng đã được nắn lệch về phía phố Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng. Theo thiết kế cũ, mặt cầu rộng 16m, hiện đã được điều chỉnh chỉ còn 14,5m2, cách nhà dân 3,5m và chờm vào không gian phía trên của di tích (vòng bảo tồn 1) một khoảng là 1,5m. Việc nắn cầu không thể yêu cầu 100% không vượt qua di tích, bởi còn liên quan đến giải tỏa, ảnh hưởng tới đời sống KTXH và cả kỹ thuật trong quá trình thi công. Điều này đã được các nhà khoa học, cơ quan chức năng nhất trí. Trong quá trình thẩm định đề án, Bộ  VH-TT&DL cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng mố cầu. Bộ đã đưa ra yêu cầu cho chủ đầu tư, riêng các hố móng không được xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích (1.571m2). Và theo thiết kế, hai trụ móng phía trước và phía sau hoàn toàn không nằm trong diện tích bảo tồn đã được khoanh vùng.