Bảo tồn làng ven đô: Không giữ vỏ cũ trong tinh thần mới

ANTD.VN - “Những con đường làng trước đây rộng thênh thang, nhưng không có cơ chế quản lý nào để người ta lấn dần. Đường trở nên chật chội. Rồi nhu cầu cơ giới trong làng tăng, ô tô đi vào làng nhưng không quy hoạch thêm bãi đỗ…”, đó là nhận định của PGS.TS Phạm Hùng Cường - Trưởng bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ tịch CLB Di sản làng Việt về bộ mặt của những ngôi làng đang chuyển mình lên phố giữa lòng Thủ đô. 

Rất ít làng còn giữ được chiếc cầu đá như làng Nôm (Hưng Yên)

Nhiều ngôi làng đẹp không còn do đô thị hóa

- PV: Thưa ông, sự thay hình đổi dạng các ngôi làng truyền thống ở vùng ven đô Hà Nội được nhận định có sự “đóng góp” đáng kể của quá trình đô thị hóa ào ạt. Ông có nhận định gì về quá trình này?

Bảo tồn làng ven đô: Không giữ vỏ cũ trong tinh thần mới ảnh 2

- PGS.TS Phạm Hùng Cường: Về mặt truyền thống, hai bộ phận thành thị và nông thôn Hà Nội rất gắn kết với nhau. Sau Giải phóng năm 1954 đến trước 1986, Hà Nội cũng phát triển trùm lên một số làng truyền thống như làng Ngọc Hà, Quảng Bá, hay Hoàng Mai…

Nhiều chiếc cổng làng đang đứng trước nguy cơ đập bỏ vì sự gia tăng phương tiện cơ giới

Tuy nhiên trong giai đoạn ấy, sự ảnh hưởng đến phần “nội” ngôi làng chưa nhiều do chúng ta vẫn sống trong thời kỳ bao cấp. Làng nông nghiệp lọt vào trong nội thành nhưng vẫn là làng, vẫn là một phần của Hà Nội. Sự tồn tại gần như song song nông thôn trong lòng Hà Nội không có gì trái quy luật. Tuy nhiên, sau năm 1986, nền kinh tế thị trường bắt đầu đổi mới, thị trường đất đai hình thành thì đó là sức ép khủng khiếp lên những ngôi làng. 

Giá đất tăng lên, đô thị bao bọc xung quanh làng, người dân vào làng mua đất để làm nhà khiến những lô đất bị chia nhỏ. Không ai còn thiết tha giữ đất trồng hoa, trồng rau nữa. Thế nên những ngôi làng rất đẹp hồi xưa như làng Nghi Tàm, Ngọc Hà… đáng tiếc đến bây giờ không còn một dấu tích nào nữa. Tôi còn nhớ làng Ngọc Hà đến những năm 1985-1990 vẫn trồng hoa, còn bây giờ thì…

- Người ta nói, hình ảnh ngôi làng xưa đã không còn, mà thể hiện rõ nhất là những con đường làng bị “bức hại”. Ông nhận định thế nào?

- Trước đây những con đường làng rộng thênh thang, 5-6m thậm chí 7m, nhưng không có cơ chế quản lý nên người ta lấn dần. Đường trở nên chật chội. Rồi nhu cầu cơ giới trong làng tăng, nhiều ô tô đi vào làng. Nhưng không quy hoạch thêm bãi đỗ, để dừng, tập kết vật liệu xây dựng. Xây dựng ồ ạt nhưng trong làng không có chỗ để vật liệu vì người ta chiếm dụng cả lòng đường, ngõ cổng làng.

Chỉ những làng nào nghiêm người ta mới ngăn không cho hộ dân đua ra. Bạn cứ đi vào một số ngôi làng nội đô mà xem, thấy rất khủng khiếp. Như làng Kim Liên gần hồ Ba Mẫu chẳng hạn. Ngõ chỉ 1,2m song mỗi bên thi nhau đua ra thêm. Tưởng tượng con đường làng 6m mà biến thành phố, không có vỉa hè mà vẫn có ô tô đi lại thì làm sao mà chẳng tắc đường. Làng Định Công, Dịch Vọng… tắc kinh khủng. 

- Thế còn không gian làng truyền thống thì sao? Bây giờ mà tìm được một làng có cổng làng, rồi bụi tre, giếng nước, mái đình nguyên bản thì chắc là khó lắm?

- Làng Việt là một di sản của kinh nghiệm xây dựng môi trường cư trú cho cộng đồng nông thôn được tích lũy hàng trăm, hàng nghìn năm. Nó kết hợp nhuần nhuyễn giữa môi trường sản xuất, lối sống cộng đồng, văn hóa cộng đồng với không gian ngôi làng.

Giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trộn lẫn hài hòa. Khi sản xuất không còn như trước, cộng đồng không còn như trước thì không gian buộc phải thay đổi. Phần giữ lại được không còn nhiều. Ví dụ như cổng làng, vướng quá họ đập bỏ vì ô tô không vào được. Nếu không thì làm lối đi bên cạnh. Hiện giờ ít làng nào còn giữ được cái cổng nguyên vẹn, may ra một số ngôi làng xa vùng ven Hà Nội như Phú Thượng, Chèm… thì còn. Còn giờ hỏi cổng làng Ngọc Hà ở đâu chắc chẳng ai biết. 

Muốn bảo tồn phải chấp nhận can thiệp bằng công nghệ

- Nói đến sự mất mát thì e rằng không chỉ là cái cổng làng đâu đúng không ạ? 

- Đúng vậy. Chẳng hạn như cái ao làng. Sau cổng làng, thì ao giống như linh hồn không gian sống của người dân. Người ta tôn thờ nguồn nước ở đó, giữ gìn cho cả cộng đồng. Vì hồi xưa người ta không thích mỗi nhà đào một giếng đâu, vì nó động đến long mạch của làng.

Lũy tre ngoài chức năng bảo vệ nó còn có ý nghĩa môi trường sinh thái và bao hàm giá trị văn hóa rất lớn. Cái gì cũng làm bằng tre, từ cái rổ cái rá, cái cán cuốc, cái bu gà, cái hom, cái giỏ… rất thân thiết với người dân.

Làng nào bị chặt mất bụi tre đó là điều cực kỳ xấu hổ. Vì mắc tội với triều đình thì mới bị trừng phạt như vậy.Giờ thì chặt hết đi. Hay là thọ từ - nhà để chúc thọ các cụ trong làng, rồi văn chỉ - nơi thờ các bậc tiên hiền, không gian để người đỗ đạt, có học hành đàm đạo văn thơ. Nó thể hiện tinh thần hiếu học của người dân, giờ còn đâu nữa. Và còn nhiều di sản nữa như quán, miếu, cầu đá…

- Nhưng trên thực tế, chúng ta không thể khư khư giữ cái cũ khi nó không còn phù hợp với cuộc sống nữa. Vậy, phải có một phương pháp bảo tồn khác chứ, thưa ông?

- Rất nhiều di sản không nên bảo tồn theo kiểu di tích. Vì nếu bảo tồn theo kiểu di tích chúng ta sẽ “bảo tàng hóa” chúng, đóng băng giá trị tinh thần của chúng. Thế nên tôi cho rằng phải bảo tồn thích ứng, tức là chắt lọc giá trị tinh thần, giữ vật thể thích ứng với giá trị tinh thần ấy.

Ví dụ dựng lại cái ao làng thì phải thấy là không thể dựng lại nó thành cái ao để đựng nước ăn như xưa nữa mà nó mang giá trị cảnh quan, nó nhắc nhở chúng ta về việc bảo vệ môi trường nước. Muốn cải tạo phải chấp nhận can thiệp bằng công nghệ, có thể lọc nước, có thể xây dựng hệ thống đường bao mới… Thậm chí xê dịch vị trí nếu thấy cần thiết. Chứ ta không thể giữ cái vỏ cũ trong một tinh thần mới. Quan niệm đó tôi cho là sai lầm. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!