Bảo toàn nòi giống từ việc đội MBH cho con trẻ

(ANTĐ) - Đó là câu trả lời chung nhất cho những câu hỏi trong cuộc gặp gỡ báo chí về chuyên đề “ATGT đường bộ cho trẻ em” được Bộ GTVT, UNICEF và WHO phối hợp tổ chức chiều qua 24-9 tại Hà Nội.

Bảo toàn nòi giống từ việc đội MBH cho con trẻ

(ANTĐ) - Đó là câu trả lời chung nhất cho những câu hỏi trong cuộc gặp gỡ báo chí về chuyên đề “ATGT đường bộ cho trẻ em” được Bộ GTVT, UNICEF và WHO phối hợp tổ chức chiều qua 24-9 tại Hà Nội.

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em là chủ động phòng, chống TNGT
Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em là chủ động phòng, chống TNGT

Tại sao không đội MBH cho trẻ em?

“Điều đầu tiên tôi muốn quý vị tự hỏi một vài câu hỏi: quý vị có thường thấy trẻ em ngồi trên xe máy mà không đội MBH không? Quý vị có người quen nào mới bị TNGT trên đường không? Tai nạn đó có thể phòng tránh được không? Nếu quý vị có con, thì hàng ngày các cháu tới trường bằng cách nào? Quý vị có thường đưa con mình đi mua sắm hay thăm viếng bạn bè và họ hàng không? Các cháu có luôn đội MBH khi đi xe máy hay cài dây an toàn khi đi ôtô không?...” - Đó là hàng loạt các câu hỏi mà ngài Jesper Morch - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đặt ra với mỗi đại biểu, mỗi nhà báo tham dự cuộc họp. Và chắc chắn rằng, ai cũng có sự suy nghĩ và có một câu trả lời cho mình. Với những nhà báo thì còn một trách nhiệm “lớn hơn” là đưa thông tin này đến với cộng đồng xã hội.

Một phần “câu chuyện buồn” được đưa ra, thương tích giao thông đường bộ là một nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong và khuyết tật cho thanh thiếu niên ở Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2007, đã có hơn 2.186 trẻ em và vị thành niên tuổi từ 0-19 tử vong do TNGT. Năm 2008, hơn 21% các trường hợp nhập viện do TNGT là trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi... Có thể nói rằng, đây là một thảm kịch, và thật không may là thảm kịch này lại liên quan tới rất nhiều trẻ em. Theo số liệu của UNICEF, trung bình mỗi ngày có 6 trẻ em Việt Nam tử vong do TNGT đường bộ và còn rất nhiều trẻ em nữa bị thương.

Trên thực tế, sau khi Nghị quyết 32/CP của Chính phủ được thực hiện đã góp phần giảm thiểu được thiệt hại do TNGT. Theo Thượng tá Trần Sơn - Cục CSGT đường bộ-đường sắt, năm 2008 cả nước đã giảm được 1.539 người chết và gần 3.000 người bị thương. Tuy nhiên, qua gần 2 năm thực hiện chủ trương bắt buộc đội MBH còn một số vướng mắc về đảm bảo tiêu chuẩn an toàn chất lượng MBH, đội MBH cài quai không đúng quy cách, trẻ em dưới 14 tuổi không bị xử phạt, nên người lớn không quan tâm đến việc đội MBH cho các em.

Nguy hiểm luôn rình rập khi tham gia giao thông như thế này
Nguy hiểm luôn rình rập khi tham gia giao thông như thế này

Những con số biết nói

TS. Trần Thị Ngọc Lan - Bộ Y tế đưa ra thống kê tình hình cấp cứu bệnh nhân chấn thương sọ não sau 1 năm thực hiện việc đội MBH bắt buộc khi đi xe máy cho thấy, năm 2008 có 7.326 trường hợp so với năm 2007 là 8.048 trường hợp, giảm 10%. Có 560 trẻ em dưới 14 tuổi bị chấn thương sọ não, hầu hết là các trường hợp bị chấn thương nặng. Trong số các trường hợp chấn thương sọ não có 1.205 trường hợp không đội MBH hoặc mũ bị vỡ do kém chất lượng.

Còn theo nghiên cứu của hãng sản xuất ôtô Volvo, 50 năm kể từ khi chiếc ôtô đầu tiên trên thế giới được trang bị dây an toàn 3 điểm, ước tính khoảng 1 triệu người đã được cứu sống, trong đó có rất nhiều trẻ em. Tương tự, những người đi xe đạp, xe máy và người ngồi sau xe máy không đội MBH có nguy cơ lớn hơn trước nguy cơ chấn thương nghiêm trọng ở đầu hay tử vong.

Một nghiên cứu xác thực khác của Cục CSGT đường bộ - đường sắt từ năm 2006 đến nay, có tới hơn 2.902 trường hợp tuổi từ 0-15 tử vong do TNGT đường bộ, tương đương gần 8 trẻ em tử vong/ngày.

Về phía Văn phòng tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) đưa ra một khẳng định trong văn bản gửi Bộ GTVT về thực trạng đội MBH ở trẻ em Việt Nam là - “Các đơn vị phản đối trẻ em đội MBH đã không đưa ra được bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy MBH làm tăng chấn thương đốt sống cổ”. 

Theo mô hình toán do WHO hỗ trợ cho thấy, lực tác động của cơ cổ chỉ tăng một mức rất nhỏ khi đội MBH (không quá 10%). Tương tự có thể thấy lực tác động bởi việc đội MBH lên cột sống cổ là không đáng kể.

Với tất cả những dữ liệu trên, để đảm bảo an toàn tính mạng cho chúng ta, con cháu chúng ta, hay nói một cách cụ thể hơn “Hãy bảo toàn nòi giống của chúng ta từ việc đội mũ bảo hiểm”.    

Tường Lâm