Bảo tàng Văn học VN: Việc mới xong 1/3 

Trên khuôn viên 3.600m2  ở phường Quảng An, khu đất xưa vốn là trại sáng tác của Hội Nhà văn, mới hiện lên một tòa nhà 6 tầng rộng rãi. Đó là công trình Bảo tàng Văn học Việt Nam. Sau 6 năm thi công, về cơ bản địa điểm cho bảo tàng đã được hoàn thiện. Còn phần nội dung, phần quan trọng nhất của bảo tàng liệu có theo kịp "cái vỏ" của nó?

Bảo tàng Văn học VN: Việc mới xong 1/3 

Trên khuôn viên 3.600m2  ở phường Quảng An, khu đất xưa vốn là trại sáng tác của Hội Nhà văn, mới hiện lên một tòa nhà 6 tầng rộng rãi. Đó là công trình Bảo tàng Văn học Việt Nam. Sau 6 năm thi công, về cơ bản địa điểm cho bảo tàng đã được hoàn thiện. Còn phần nội dung, phần quan trọng nhất của bảo tàng liệu có theo kịp "cái vỏ" của nó?

Vẻ ngoài của Bảo tàng văn học VN
Vẻ ngoài của Bảo tàng văn học VN

Nhà văn Cao Tiến Lê, Trưởng ban quản lý xây dựng dự án Bảo tàng Văn học Việt Nam, cho biết:

- Chúng tôi tập trung sưu tầm các hiện vật thuộc 3 phần: Tác phẩm của nhà văn, đời sống của nhà văn, và quan hệ xã hội của nhà văn. Ngoài ra, để phong phú thêm phần trưng bày sẽ có cả những video tư liệu giới thiệu về cuộc đời hay sự nghiệp của một số tác gia nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho nền văn học của nước nhà.

Bạn thử tưởng tượng nếu ở trường học các bạn chỉ được tiếp xúc với văn bản, với tác phẩm, còn đến với bảo tàng, các bạn sẽ thích thú thế nào nếu được nghe giọng nói của nhà văn mà bạn ngưỡng mộ.

Hay đơn thuần là bước vào không gian của bảo tàng, các bạn được chứng kiến phòng làm việc, phòng ở của nhà văn Nguyễn Tuân, sẽ thật đến nỗi các bạn có cảm tưởng như ông vừa ở đấy và ra đi, nơi có cái bàn ông ngồi làm việc, có cái gậy ba toong ông chống, có cái mũ ông đội đầu...

- Thưa ông, bảo tàng sẽ trưng bày các hiện vật về các tác giả từ thời cổ đại đến hiện đại. Vậy các hiện vật thời cổ đại chủ yếu được sưu tầm hay phục dựng lại?

Nhà văn Cao Tiến Lê
Nhà văn Cao Tiến Lê

- Sưu tầm được những hiện vật cổ cách đây hàng trăm năm là một thử thách lớn với những người trong nhóm nội dung. Cho nên, có những cái phải phục dựng. Cũng có nhiều nguyên do, ví dụ như hòn núi ở Ninh Bình với những bài thơ khắc trên đó thì làm sao lấy được hiện vật gốc. Hay có những hiện vật nhỏ mà muốn xin từ gia đình của những nhà văn cũng là cả một vấn đề.

Mà đâu chỉ có hiện vật cổ mới khó khăn, ngay cả hiện vật của văn học hiện đại chúng tôi muốn xin cũng không dễ. Song nếu phải phục dựng thì chúng tôi cũng cố gắng làm sao để người xem có cảm giác thật nhất.

- Các ông đã gặp những khó khăn như thế nào trong quá trình sưu tầm những hiện vật đó?

- Có không ít khó khăn mà nếu không kiên trì, không có khả năng thuyết phục, không có tài linh hoạt thì chắc chắn sẽ thất bại. Có gia đình chúng tôi phải đến rất nhiều lần, mời họ thăm quan địa điểm của bảo tàng Văn học, cam kết lưu giữ kỉ vật của họ.

Có những hiện vật chúng tôi rất ưng ý thì còn chờ “ngã giá”: ví như quyển văn bản Kiều cổ ở Bắc Ninh hay đôi lục bình của Tổng cóc Phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có viết 2 câu thơ Hồ Xuân Hương, hay bàn, ống sớ của Nguyễn Du ở Quỳnh Phủ (Thái Bình), quê hương của vợ ông..

Nếu họ vẫn không đồng ý thì phương án cuối cùng có thể sẽ là phục dựng, song với chúng tôi, hiện vật gốc mới thực sự có giá trị, bởi đó là những kỉ vật cá nhân của chính các nhà văn.

- Thái độ hợp tác của gia đình và người thân của các tác giả với Hội như thế nào?

- Nhiều gia đình rất hợp tác và đó là điều chúng tôi trân trọng nhất. Như gia đình cụ Tố Hữu đã biếu bảo tàng nhiều hiện vật, hay gia đình cụ Tú Mỡ cũng góp 11 hiện vật: bàn làm việc, sắc mây, ảnh chụp, cặp đi làm, bản thảo viết tay... Tuy nhiên, có thể nói khâu tìm kiếm và thuyết phục các gia đình là chiếm nhiều thời gian của chúng tôi nhất.

- Số lượng hiện vật mà cả đoàn thời gian qua đã rất vả mới thu thập được là bao nhiêu?

- Cả đoàn đã tích cực làm việc và thu được hơn 10.000 hiện vật. Hiện nay số hiện vật này đang được lưu giữ tại trụ sở của Hội Nhà văn để chờ hoàn thiện phần xây dựng và sẽ chuyển đến trưng bày. Dự kiến sang đầu năm 2009, chúng tôi sẽ hoàn thiện được phần nội dung ở các phòng cổ - cận - hiện đại và chữ viết để mở cửa phục vụ người xem.

Các kỷ vật của nhà văn Phan Tứ được Ban quản lý bảo tàng sưu tầm
Các kỷ vật của nhà văn Phan Tứ được Ban quản lý bảo tàng sưu tầm

- Ở góc độ của một nhà quản lý, ông tự đánh giá những người làm bảo tàng đã đi được chừng nào của đoạn đường gian khổ?

- Về cơ bản, phần xây dựng chúng tôi đã gần xong, còn về phần nội dung, chúng tôi đã đi được 1/3 chặng đường. Nhưng muốn có quyết định thành lập Bảo tàng Văn học Việt Nam, chúng tôi vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa gấp hai, ba lần.

- Bây giờ các ông mới đi được 1/3 chặng đường về phần nội dung, liệu có quá chậm trễ không?

- Đầu quý I hoặc II năm 2009 bảo tàng mới mở cửa. Tôi tin tiến độ như vậy chắc chắn là không chậm.

- Mong muốn lớn nhất của ông lúc này?

- Bảo tàng văn học Việt Nam mở ra ngoài mục đích tôn vinh và phát huy các giá trị văn học trong quá khứ, phục vụ không chỉ những người yêu thích văn học, học sinh, sinh viên mà còn cung cấp kiến thức cho những người nước ngoài muốn tìm hiểu về nền văn học Việt Nam.

Mong muốn nhất của tôi lúc này chính là sự hợp tác nhiệt tình từ phía thân nhân của các nhà văn, giúp chúng tôi đi hết con đường hiện thực hóa một nền văn học có bề dày như của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Theo VTC

Bảo tàng Văn học sưu tầm, trưng bày các hiện vật từ khi có người Việt đến nay, chia thành các bộ phận: Văn học dân gian, Văn học cổ đại, văn học hiện đại. Các bộ phận khác cũng được chú ý là Văn học dân tộc ít người, văn học Việt Nam ở nước ngoài, văn học trong vùng tạm chiếm.

Văn học cổ đại ở phần vòng tròn chính giữa của tầng 1 tòa nhà bảo tàng. Riêng các tác gia lớn sẽ có không gian trưng bày rộng hơn. Ví dụ với Nguyễn Du sẽ có một phòng gồm: ảnh, thân thế sự nghiệp, bản đồ hành trình của ông, có văn bản Kiều xuất bản qua các năm, có tranh vẽ minh họa Truyện Kiều, bìa của Truyện Kiều...

Tầng 2 là khu vực dành cho văn học cận đại, và tầng 3 là văn học hiện đại.

Chúng tôi cũng sẽ triển khai một gian rộng trưng bày chữ viết cho thấy những bước thăng trầm và phát triển của lịch sử chữ viết của Việt Nam và của các dân tộc Tày – Nùng – Chăm – Khơme...

Quanh khu vườn bao phía ngoài bảo tàng có 9 tảng đá ghi 9 bài thơ chữ Hán nổi tiếng của các tác giả cổ, cận đại. Bên cạnh đó sẽ có những bức phù điêu dựng lại cảnh trong các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết của các dân tộc anh em: Tấm Cám, Thánh Gióng, Đẻ đất đẻ nước, Đăm San, Xinh Nhã...