Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam "sống chung" với hóa chất độc hại

ANTĐ - Hiện nay, hầu hết xác động vật bị chết hoặc bị bắt giữ qua các vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép đều được đưa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam làm tiêu bản phục vụ công tác trưng bày. Nhìn những mẫu vật sống động y như thật ít ai biết rằng, phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả và cả độc hại.

Cận cảnh phục dựng tiêu bản

Cán bộ phòng chế tác vệ sinh bộ xương voi K’rong

Nhân sự kiện voi K’rông bất ngờ chết vào sáng 9-6 tại vườn thú Hà Nội, chúng tôi đã tìm đến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tại nhà A20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội để tìm hiểu về việc dựng tiêu bản phục vụ trưng bày. Ít ai ngờ, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nơi đang lưu giữ hàng nghìn mẫu vật về tự nhiên của Việt Nam lại nằm khuất nẻo tại một góc của Viện Khoa học & Công nghệ. Và cho đến giờ những tiêu bản quý giá của đất nước vẫn đang phải nằm trong 3 nhà kho cũ kỹ của bảo tàng với tổng diện tích chỉ xấp xỉ 100m2. Nhìn những mẫu vật sư tử, gấu, hổ, báo cho tới những mẫu hóa thạch quý hiếm bị xếp chen chúc trong kho mà… buồn. Để chế tác được số lượng mẫu vật như thế này cần rất nhiều thời gian và công sức của các cán bộ khoa học.

Như xác voi K’rông ở vườn thú Hà Nội, theo Tiến sĩ Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để chế tác thành hai tiêu bản phải mất khoảng 1 năm và tốn kém cả trăm triệu đồng. Nhưng những con số đó vẫn là quá nhỏ nếu đem so với công sức của cán bộ bảo tàng. Việc chế tác các tiêu bản gồm rất nhiều công đoạn. Với những động vật cỡ lớn như hổ, báo, sư tử, gấu, voi,… phải sử dụng hóa chất để lọc da và xương. Phần da được xử lý hóa chất, tẩy rửa vệ sinh rồi đem đi nhồi, còn phần xương dựng khung trưng bày. Công đoạn khó nhất là phần dựng khuôn để nhồi da. Dựng được một tiêu bản sống động như ngoài tự nhiên không đơn giản. Các nhà khoa học phải quan sát hình thái, dáng điệu, tập tính sinh hoạt kỹ lưỡng mới có thể tạo ra mẫu vật như thật. Từ đó, tạo khuôn của từng bộ phận trên cơ thể mẫu vật, rồi khéo léo lắp lại thành hình hoàn chỉnh. Cuối cùng là phủ lên lớp da đã qua xử lý hóa chất. Phần xương cũng sẽ được dựng thành tiêu bản.

Với những động vật cỡ nhỏ, phần thịt không nhiều, việc chế tác cũng nhẹ nhàng hơn. Nhưng những động vật cỡ lớn như voi K’rông thì những khó khăn nhân lên gấp nghìn lần. Nếu không xử lý hết phần thịt còn sót lại sẽ làm hỏng bộ xương. Chính vì thế khi chế tác phải tỉ mỉ lọc những phần thịt nhỏ nhất còn bám trên xương. Công việc này đòi hỏi sự cẩn trọng, vì những tác động mạnh có thể gây ra sự phá hủy làm mất đi tính đồng nhất hoàn chỉnh khi dựng xương. Sau khi vệ sinh sạch, những đoạn xương sẽ được ghép lại hoàn chỉnh, lúc này việc dùng thuốc bảo quản mới được tiến hành. 

Khó khăn trăm ngả

Tiến sĩ Phạm Văn Lực trong kho lưu trữ các tiêu bản

Để hoàn thành được những công việc trên, mỗi nhà khoa học của bảo tàng phải nghiên cứu về rất nhiều mặt, từ tạo hình, cấu tạo xương động vật, cách chế tạo khuôn đúc mẫu, đến cách sử dụng chất bảo quản, tẩy rửa. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc phải thường xuyên tiếp xúc với mùi xác động vật phân hủy. Bảo tàng đã nhiều lần phối hợp với các chuyên gia nước ngoài để đào tạo nguồn lực. Trong đó, chú trọng phần tạo dựng mẫu vật bằng các công nghệ mới, thay thế cho cách làm thủ công lỗi thời và độc hại. Thế nhưng, trong khi chờ công nghệ mới thì đội ngũ cán bộ Bảo tàng Thiên nhiên vẫn ngày ngày tiếp xúc trực tiếp với những hóa chất độc hại. 

Hiện lượng mẫu vật do các cơ quan chức năng của Nhà nước thu giữ được từ các vụ săn bắn, buôn bán trái phép, các vườn thú, các cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã vẫn tiếp tục dồn về bảo tàng với số lượng lớn. Kho bảo quản hiện đã không còn chỗ trống. Cả chục tủ bảo quản chuyên dụng đã quá tải, số mẫu vật chồng chất trong kho. Nhưng cho đến nay, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vẫn chưa có chỗ an cư. Ông Phạm Văn Lực- Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên thở dải, nếu không có khu trưng bày và bảo quản mới, rất có thể, sự quá tải trên sẽ làm hỏng những tiêu bản từng được kỳ công chế tác bao năm nay.

Chờ cho đến khi Bảo tàng Thiên nhiên có chỗ an cư hẳn sẽ phải mất nhiều năm nữa. Những cán bộ của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vẫn phải tiếp tục núi công việc trên khu nhà chật chội. Mà chẳng đâu xa, xác voi K’rông vẫn phơi ở ngoài sân Viện Khoa học & Công nghệ. Ai đi qua đường Hoàng Quốc Việt đoạn trước cửa Viện cũng phải “bịt mũi” vì mùi hôi thối theo gió đưa ra.