Bảo tàng lạ lùng ở Hà Nội

ANTD.VN - Có đến cả nghìn bài ca viết về Hà Nội, lấy bối cảnh Hà Nội hoặc đơn giản là thoáng cảm xúc của người sống ở thành phố này. Cái phút đầu tiên các nhạc sĩ chạm vào đề tài, là khoảnh khắc như họa sĩ “ngộ” được cái thần của nhân vật, như người chụp ảnh tài ba có được cú bấm máy đúng lúc. Khi Trịnh Công Sơn cất lên câu “Bởi vì mùa thu tôi ở lại…” là ông đã tự nhiên tạo nên một giá trị lãng mạn khổng lồ của Hà Nội cho xã hội. 

Qua năm tháng, các vật chứng cho giá trị bao trùm này xếp hàng dài như những hiện vật trong một triển lãm. Kể từ khi tân nhạc ra đời cuối những năm 1930, sáu thập niên người ta hát về Hà Nội là một cuộc bảo tồn ký ức đô thị. Đầu những năm 1940, Văn Cao đã giới thiệu Hà Nội ở góc độ một sử ký.

“Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng, trông khói sương chiều ám trên dòng sông Nhị Hà còn kia…” (Thăng Long hành khúc ca - 1942). Viết cùng thời gian với Suối mơ, Thiên Thai, Hà Nội của Văn Cao ẩn mình trong không gian Thăng Long xưa cũ, thuộc về những bài hát đầu tiên của dòng nhạc hùng ca, tham gia kiến tạo một diễn ngôn chung về chủ nghĩa ái quốc thời hiện đại.

Đây là một thành phố của nhiều sự tưởng tượng trên nền những dấu vết “giờ thành còn dấu cũ, ngậm ngùi màu rêu phong”. Nó chia sẻ triết lý về một chốn Thiên Thai hư ảo - đúng hơn là một cõi sáng tạo của tác giả. Và nó cũng xác lập ngay từ đầu một định nghĩa cổ tích về Hà Nội. 

Hà Nội đầu tiên của Đoàn Chuẩn dù đương đại hơn nhưng cũng thuộc về một nơi “dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai”. Những tình khúc thu của Đoàn Chuẩn-Từ Linh lấy Hà Nội làm trung tâm, nơi ông đã ghi đề từ cho ca khúc Lá đổ muôn chiều rằng “viết tại 63 Lý Thường Kiệt và 46 Hàng Cót, Hà Nội (rạp Đại Đồng) cuối năm 1954, bước sang năm 1955. Không sao kìm nổi sự xúc động và nhớ vô cùng”.

Trong dòng nhạc tiền chiến, Đoàn Chuẩn chỉ với mảng đề tài hẹp nhất nhưng đã định hình một gu thẩm mỹ kéo dài đến cả nửa thế kỷ sau: tình yêu bất thành ở một thành phố tạm chiếm nhưng vĩnh cửu hóa sự lãng mạn: “Nhớ em từ làn môi đôi mắt, đời vắng em rồi vui với ai”.

Những tà áo xanh đi giữa muôn hoa với lá vàng rơi trong trời biếc là những mã ký hiệu có sức ám ảnh lâu bền hơn tất cả những vật chất cùng thời. Không gian kiến trúc Hà Nội cùng thời Đoàn Chuẩn viết những bài tình ca hay nhất đã không còn nguyên vẹn, nhưng màu son trên đôi môi của người con gái Hà Nội như dấu niêm phong tờ thư năm tháng.

Có bài ca nào xứng đáng hơn Bài ca Hà Nội để đại diện thập niên 1960? Viết cho những sự kiện lịch sử - chiến dịch Điện Biên Phủ trên không - với nội dung mang tính tuyên truyền cổ động, nhưng bài hát của Vũ Thanh là một mẫu mực về phong cách anh hùng ca lãng mạn.

Nó quy tụ những hình ảnh có tính biểu tượng của giai đoạn này, và trung tâm vẫn là một người con gái với làn môi đôi mắt đẹp: “Ơi cô gái ơi, súng trên vai sao vuông đầu mũ, em đi về đâu mà mắt em tươi sáng, em đi về đâu mà chân bước hiên ngang”. Diễn ngôn thời nay đã định hướng trữ tình hóa cuộc chiến đấu, như thể tuổi trẻ ấy đã chẳng nhiều phiền muộn khi sống giữa đạn bom.

Những không gian lãng mạn ở Hà Nội đã đi vào âm nhạc

Thập niên tiếp theo, Hà Nội vẫn là trung tâm của những bài hát đầy chất sử thi lãng mạn. Cuộc ném bom dữ dội của máy bay B-52 oái oăm thay lại là một chất liệu cho những cảm hứng siêu việt về thành phố này. Hà Nội niềm tin và hy vọng (1972) của Phan Nhân là một đại diện xuất chúng.

Nó nhắc lại cảm xúc được thần thoại hóa của Văn Cao và gần hơn là Người Hà Nội (1948) của Nguyễn Đình Thi, về một “Thăng Long hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây”. Kết nối với hiện tại của “Đông Đô ngày nay”, bài hát sẽ còn duy trì tầm ảnh hưởng về mỹ học suốt mấy thập niên sau. 

Những năm 1980 vẫn còn dư âm của những tráng ca hào hùng nhưng đã xuất hiện những giai điệu mới của trữ tình hậu chiến, xác lập một mỹ cảm thời bình. Mặc dù phổ nhạc một bài thơ viết những ngày bom đạn của Phan Vũ, Em ơi Hà Nội phố (1987) của Phú Quang mau chóng có được vị thế cổ điển khi thoát hẳn khỏi vùng ảnh hưởng “bài ca thời sự”.

Không chỉ vì tác giả chuyên tâm đề tài Hà Nội đến nỗi thành thương hiệu, mà còn vì ca từ được chọn lọc trong một giai điệu pop hơn, gần với nhịp sống đời thường hơn, và cái chính là tạo ra một hệ thống biểu tượng mới. “Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông, ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông…”.

Con người Hà Nội trong đó hành động như trong lát cắt một cảnh sống, thay vì nghiêm trọng như một cuộc tình tan vỡ thời Đoàn Chuẩn. Cũng người con gái Hà Nội nhưng thanh thản “ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm”.

Ca khúc này cũng định vị một bản thể sáng tạo của Hà Nội khi nó lựa chọn hình tượng “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. Cuộc tìm kiếm ký ức Hà Nội được khởi sự từ đây, để rồi hai thập niên sau vẫn chưa thể chấm dứt.

Những năm 1990 là cuộc lên ngôi trong thị trường âm nhạc của những bài hát tập trung về chủ đề Hà Nội. Có thể đây sẽ là lần cuối cùng xảy ra điều đó. Yếu tố thị trường dù ít hay nhiều cũng đã tác động đến việc kho bài hát tận dụng tối đa hệ thống ký hiệu, các môtip hình ảnh Hà Nội của những giai đoạn trước.

Trẻ trung hơn nhưng vẫn “không chệch hướng” lối diễn tả lãng mạn, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (1992) của Trương Quý Hải, phổ thơ Bùi Thanh Tuấn làm được nhiệm vụ đáng kể là kịp ghi lại không gian của một Hà Nội học trò vẫn còn nhiều màu sắc thiên nhiên trước khi cơn lốc đô thị hóa ập tới và đồng thời chấm dứt nguồn năng lượng cho dòng bài hát về nơi đây.

“Phố vắng nghiêng nghiêng hàng cây khô, quán cóc liêu xiêu một câu thơ, Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ…” mau chóng trở thành một đoạn phim tài liệu, khi nào xem lại cũng thấy bồi hồi tiếc nuối.

Có thể coi những bài hát Hà Nội là một di sản của văn hóa đô thị này. Vượt ra khỏi những chủ định tuyên truyền hay diễn giải chính trị, chúng là hành vi văn hóa của cộng đồng đã được chia sẻ, kết nối. Khi những người Hà Nội và cả nơi khác hát về Hà Nội, họ trở thành những nhân viên của một bảo tàng tập thể lạ lùng bậc nhất.