“Bảo tàng” bóng đá độc nhất Việt Nam

ANTĐ - Những quả bóng, đôi găng, áo thi đấu cho đến các bức ảnh ghi dấu một thời… tất cả đều được chủ nhân lưu giữ cẩn thận trong ngôi nhà nhỏ của mình. Mỗi kỷ vật gắn với một câu chuyện mà ở đó, người ta có thể hình dung ra từng chặng đường lịch sử của bóng đá Việt Nam. 

Cựu danh thủ Hà Bôn, người sở hửu quả bóng trong trận chung kết lịch sử

 Việt Nam - Thái Lan tại AFF Cup 2008


Ăn bóng đá, ngủ bóng đá…

Nằm khuất trong con ngõ trên phố Núi Trúc (Hà Nội), ngôi nhà 3 tầng của cựu danh thủ Hà Bôn ngập tràn sắc màu bóng đá. Trải dọc cầu thang là gần 100 quả bóng, mỗi quả đều có lai lịch riêng. Trên mỗi mét vuông tường dày đặc những áo thi đấu, ảnh, cờ lưu niệm cùng nhiều kỷ vật được gia chủ cất công sưu tầm suốt hơn nửa thế kỷ qua. Mọi không gian trong căn nhà nhỏ đều gắn liền với bóng đá. Từ bộ ly uống nước, bật lửa, gạt tàn, chiếc đồng hồ treo tường cho tới những… chai rượu đều gắn với hình ảnh trái bóng, hay các danh thủ thế giới. Ngay đến chiếc điện thoại cầm tay, ông Bôn cũng chọn nhạc phẩm Un’estate Italiana - bài nhạc cổ động kỳ Wolrd Cup 1990 tại Italia - làm nhạc chuông. Căn nhà kiêm “bảo tàng” bóng đá mang lại cho Hà Bôn một cuộc sống “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” đích thực.

Bất cứ ai đến với “bảo tàng” của ông đều phải ngả mũ thán phục trước sự hoành tráng và tính độc nhất vô nhị của nhiều kỷ vật, như quả bóng Công Vinh đánh đầu vào lưới Thái Lan, giúp Việt Nam lần đầu vô địch AFF 2008; bức ảnh kèm chữ ký tặng của thủ môn huyền thoại người Đức Schumacher; hay bộ sưu tập đầy đủ huy chương của các tuyển nữ, U21, U20, U19 nam Việt Nam tại khắp các đấu trường... Cũng tại “bảo tàng”, người ta còn bắt gặp hình ảnh của các danh thủ một thời như Lê Thụy Hải, Nguyễn Cao Cường, Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Lê Thế Thọ... xuất hiện trong những trận bóng đá bất hủ; hay hàng trăm cờ lưu niệm của các đội bóng quốc tế sang Việt Nam giao hữu từ năm 1954 đến nay. Tất cả đều được gia chủ nâng niu, gìn giữ như báu vật gia truyền. 

May nhờ có… ông thông gia

Một điều khá thú vị là ngoài nỗ lực sưu tầm của cá nhân, “bảo tàng” phong phú như hiện tại có công lớn của thông gia với ông Bôn, chính là HLV Mai Đức Chung. Hai người vốn chơi thân với nhau từ thời học sinh, sau trở thành thông gia nên mối thâm tình càng thêm bền chặt. Công tác lâu năm tại đội tuyển nên HLV Mai Đức Chung không ít lần làm “cầu nối” giữa các HLV như Alfred Riedl, Falko Goetz với “bảo tàng Hà Bôn”. Theo lời kể của ông Bôn, tất cả đến đây đều rất thích thú và ngưỡng mộ. “Ông Falko Goetz tỏ ý thán phục, bởi luôn ao ước có một phòng sưu tầm các kỷ vật của bóng đá quốc gia mình (nước Đức) mà không thể thực hiện được”, ông Bôn tự hào. Thường xuyên công tác nước ngoài nên ông Chung là người góp lượng lớn các kỷ vật cho “bảo tàng”. Từ tấm HCV kèm bức ảnh tuyển U22 Việt Nam vô địch Merdeka Cup 2008, đến HCĐ của tuyển U19 mới giành được tại Brunei, thậm chí cả bản công nhận HLV xuất sắc Việt Nam do đích thân Chủ tịch FIFA Sepp Blatter trao, ông Chung đều tặng lại ông thông gia. “Chúng tôi thân nhau hơn cả anh em ruột. Biết tôi thích sưu tầm, thi thoảng đi công tác nước ngoài, ông Chung lại mua tặng. Đợt rồi đi du học Slovakia về, ông ấy cũng tặng tôi bức ảnh chụp cạnh chiếc cúp vô địch của Barcelona, có cả chữ ký của toàn đội”, ông Bôn khoe. 

Nghĩa tình xây đắp “bảo tàng”

Giới cầu thủ Việt Nam chẳng ai không biết tới danh thủ Hà Bôn. Vốn là người Hà Nội gốc, tuổi thơ của ông gắn liền với những sân bóng Cột Cờ, Tăng Bạt Hổ hay bãi đất Long Biên. Hà Bôn khởi nghiệp từ sân bóng “phủi”, bôn ba qua các đội bóng Sở Thuế vụ, Đường sắt Việt Nam rồi thành danh dưới màu áo Quân khu Việt Bắc. Không có thể hình cao to, sải tay lại ngắn song thủ thành Hà Bôn luôn làm nản lòng các chân sút đối phương bởi tài bay lượn như làm xiếc trong khung thành. Bản thân vợ ông, vốn con gái gốc Hà thành sống phố Hàng Đào từng thổ lộ vì hâm mộ tài chơi bóng của ông từ thời còn là học sinh mà kết duyên trăm năm. Cũng bởi cái tài bắt bóng “như xiếc” đó mà tay gôn Hà Bôn trở thành thần tượng của nhiều thế hệ thủ môn sau này như Trần Văn Khánh, Văn Hùng, Thế Anh, Mạnh Dũng, Kim Hồng, Kiều Trinh…

Khác với nhiều cầu thủ cùng trang lứa, Hà Bôn sớm có ý thức trân trọng và lưu giữ những kỷ vật liên quan đến sự nghiệp thi đấu. Từ bức ảnh chụp năm 16 tuổi, khi còn là cầu thủ học sinh cho đến khi thành cầu thủ chuyên nghiệp, rồi cả sau này trong màu áo… CLB “lão tướng” thi đấu giao hữu, ông đều có ảnh lưu lại. Giã từ nghiệp thi đấu năm 1966, Hà Bôn chuyển sang làm lái xe cho Đại sứ quán Đức. Lại cũng nhờ mối quan hệ thân thiết với ngài Đại sứ mà Hà Bôn làm giàu thêm “bảo tàng” của mình với những tấm hình, huy chương, cờ lưu niệm kèm chữ ký của nhiều cầu thủ, CLB nổi tiếng thế giới. “Biết tôi mê sưu tầm nên mỗi lần trở lại Việt Nam sau dịp nghỉ phép, ông Đại sứ lại tặng quà. Có lúc là chiếc băng-rôn, đồng hồ treo tường gắn logo của các đội bóng nổi danh, cho đến bóng thi đấu tại các trận cầu kinh điển”, cựu danh thủ Quân khu Việt Bắc kể. 

Vốn là cầu thủ nổi danh, lại từng làm ở Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Đức và thường xuyên thi đấu giao hữu với các đại sứ quán khác nên Hà Bôn có mối quan hệ rộng, được nhiều người quý mến. Hầu hết các kỷ vật bóng đá thế giới trong “bảo tàng” đều do các đồng nghiệp làm ở đại sứ quán đi công tác nước ngoài tìm mua mang về tặng. Ông Bôn kể, có ngài Đại sứ Bulgari, chỉ biết Hà Bôn qua một trận giao hữu với Đại sứ quán Mỹ (ông Bôn hiện là Chủ tịch danh dự CLB bóng đá Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội) mà lặn lội đến tận nhà tặng quả bóng EURO 2008 và ký tặng. Rồi đến nhiều lãnh đạo VFF, HLV, cầu thủ nội nổi tiếng cũng vì yêu mến, nể trọng ông mà gửi tặng vào “bảo tàng” những kỷ vật ý nghĩa. “Vài hôm trước, anh Hải (HLV Lê Thụy Hải) cất công từ Hải Phòng mang quả bóng sử dụng trong trận V.HP thắng HAGL 2-0 (V.HP kết thúc chuỗi 10 trận toàn hòa, thua), có đủ chữ ký các cầu thủ đến tận nhà tôi tặng, sau đó lại tức tốc về để kịp cùng đội vào Nam gặp Navibank SG. “Nếu không bởi cái tình với nhau thì làm gì có chuyện đó” - ông Bôn tâm sự.

Căn nhà 3 tầng của ông Hà Bôn đầy ắp những kỷ vật bóng đá Việt Nam

Không bán, chỉ làm từ thiện

Không ít người đến thăm “bảo tàng” bóng đá này từng đặt vấn đề mua lại các kỷ vật, song đều chỉ nhận được cái lắc đầu của gia chủ. Với ông Bôn, có đánh đổi cả núi tiền ông cũng chẳng bán “bảo tàng” bởi nó là kỷ niệm, là cả nghĩa tình mà bạn bè, đồng nghiệp tin tưởng trao gửi. “Có người “trả” tôi quả bóng trận Việt Nam đăng quang AFF Cup 2008 kèm chữ ký của Công Vinh 20.000 USD nhưng tôi không bán và sẽ chẳng bao giờ bán. Ngay cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam giờ có ngỏ lời xin “nhượng” lại, tôi cũng không nốt. Nhưng nếu bán đấu giá để làm từ thiện cho người nghèo thì tôi chấp nhận”, cựu danh thủ Quân khu Việt Bắc tiết lộ. Sở hữu “bảo tàng” bóng đá lớn nhất Việt Nam, có trong tay hàng nghìn kỷ vật giá trị, song ông Bôn vẫn chưa thể hài lòng. Cũng giống như bao người yêu bóng đá nước nhà, ông Bôn vẫn mòn mỏi đợt chờ thời khắc ĐTQG Việt Nam bước lên đỉnh SEA Games. “Tôi đã dành riêng một chỗ trang trọng nhất trong “bảo tàng” cho tấm HCV SEA Games. Có được tấm huy chương đó, tôi có nhắm mắt cũng an lòng”, ông Bôn tâm sự.