Bão số 4 Podul tiến sát đất liền, người dân cần ứng phó thế nào?

ANTD.VN - Cơn bão số 4 Podul tiến thẳng vào các tỉnh ven biển miền Trung với tốc độ di chuyển nhanh hơn dự kiến. Để ứng phó với diễn biến phức tạp của cơn bão, người dân nên chuẩn bị kỹ các phương án trước, trong và sau bão để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, gây thiệt hại về người và của.

Thông tin mới nhất về cơn bão Podul

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, vào hồi 10 giờ ngày 29-8-2019, vị trí tâm bão số 4 Podul ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam 130 km về phía Đông Nam, cách đất liền các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị khoảng 460 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.

Đường đi của cơn bão số 4 Podul

Dự báo từ sáng đến trưa mai 30-8 đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 22 giờ cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới tiến sát biên giới Lào-Thái Lan, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Người dân cần chủ động phòng chống bão

Là đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, Việt Nam thường xuyên là "điểm đến" của nhiều cơn bão. Từ đầu năm 2019 tới nay, đã có 3 cơn bão xuất hiện trên biển Đông là bão số 1 Pabuk, bão số 2 Mun và bão số 3 Wipha đều hình thành ngay trên Biển Đông và có sức tàn phá vô cùng lớn.

Theo báo cáo nhanh của BCH PCTT & TKCN, cơn bão số 3 Wipha vào hồi đầu tháng 8 vừa qua đã gây ra những thiệt hại lớn về người và của khiến 5 người chết, 13 người mất tích, cùng với đó là thiệt hại nghiêm trọng về giao thông, sản xuất nông nghiệp…

Bão số 4 Podul tiến sát đất liền, người dân cần ứng phó thế nào? ảnh 2

Cơn bão số 3 Wipha gây ra thiệt hại nặng nề về người và của

Chưa kịp khắc phục các hậu quả do bão số 3 gây ra, cơn bão số 4 Podul ập đến với tốc độ nhanh và được dự báo về sức tàn phá dữ dội. Mặc dù chúng ta không thể ngăn chặn được thiên tai ập đến, nhưng việc trang bị những kỹ năng sinh tồn và lên kế hoạch trước, trong và sau cơn bão là điều vô cùng cần thiết. 

Trước khi bão đến:

- Kiểm tra hệ thống cửa chính và cửa phụ trong nhà: Bít các lỗ thông gió, khóa/nẹp cửa chắc chắn để đề phòng sức gió mạnh tạo sự va đập, phá vỡ cánh cửa. 

- Đối với nhà lợp bằng tôn, mái Bro, người dân có thể xếp bao tải chứa đất/cát lên mái nhà. Tuy nhiên, nếu mái nhà quá yếu, bạn cần tìm phương án phù hợp hơn để tránh nhà bị gió tốc.

Người dân đặt bao cát lên mái nhà chống bị tốc mái

- Chặt phá hoặc cắt tỉa các cây lớn xung quanh nhà để giảm nguy cơ gió quật mạnh.

- Khơi thông các máng/ống thoát nước trên mái nhà và xung quanh nhà.

- Kiểm tra hệ thống điện:  Sắp xếp các ổ điện ở trên cao, tránh tiếp xúc với mặt đất và khu vực ẩm thấp, có thể bị ngập nước. Với những thiết bị có vỏ kim loại như bình nóng lạnh, cần gắn thiết bị tự cắt điện khi bị rò.

- Dự trữ sẵn thực phẩm khô như mì gói, bánh mì, thức ăn đóng hộp.

- Dữ trữ sẵn một số vật dụng y tế như: bông băng, thuốc kháng khuẩn.... Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong thời gian có bão sẽ khó khăn, vì vậy việc tránh thương tích phải được ưu tiên hàng đầu.

- Kê cao các đồ vật trong nhà phòng nước ngập, đặc biệt là các giấy tờ, hồ sơ quan trọng.

- Kiểm tra xăng nhớt và tình trạng hoạt động của các phương tiện di chuyển, vì có thể bạn và gia đình phải di chuyển khẩn cấp ra khỏi nhà đến nơi tạm trú khác.

- Khóa bình gas vì cơn bão có thể làm đứt ống dẫn khí, gây nguy cơ nổ hoặc hỏa hoạn.

- Chuẩn bị các túi hành lý chứa một số quần áo, chăn mền dự phòng, thực phẩm và nước uống cho trường hợp phải di tản theo lệnh của cơ quan chức năng hay tình thế nguy ngập.

- Chuẩn bị sẵn một ít tiền mặt, bởi nhiều khi lúc bão các cây ATM không hoạt động.

Khi bão ập tới:

- Khóa chặt các cửa ra vào và cửa sổ, tránh xa các cửa kính vì có thể sức gió sẽ phá vỡ lớp kính, gây nguy hiểm đến tính mạng.

- Người trong gia đình nên tập trung sinh hoạt tại khu vực kiên cố nhất trong nhà. Nếu trần nhà bị rung lắc mạnh, hãy chui dưới gầm bàn, gầm giường hoặc dưới một đồ vật dày chắc nào đó để tránh bị đè khi sập trần nhà. Dùng gối, nệm che kín đầu. 

- Tránh sử dụng điện thoại, trừ trường hợp khẩn cấp. Nếu có yêu cầu từ cơ quan chức năng, hãy tắt nguồn điện chính.

- Khi nhà ngập nước, nên cắt cầu giao điện để đảm bảo an toàn. Nếu có người bị điện giật, hãy ngắt cầu giao điện, đẩy nạn nhân khỏi vật dẫn điện bằng ghế gỗ, sào tre. Hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim, cơ miệng rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

- Trong trường hợp buộc phải ra ngoài, hãy kiểm tra khu vực xung quanh và đảm bảo không có dấu hiệu đứt dây điện hay cây cối sắp đổ.

- Thường xuyên bật radio, tivi để theo dõi thông báo mới nhất về tình hình cơn bão. Nếu có lệnh di tản của cơ quan chức năng, hãy nhanh chóng thực hiện theo chỉ định và hướng dẫn đó. 

Người dân cần di tản khi có thông báo của chính quyền địa phương

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong nửa cuối năm 2019 còn 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Theo đó, bên cạnh công tác chuẩn bị phòng chống cơn bão số 4 Podul, người dân cần chuẩn bị tâm lý cũng như các kỹ năng nhất định để phòng chống các cơn bão tiếp theo để đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.