Bão số 16 di chuyển chậm lại, vùng nguy hiểm vẫn rộng

ANTD.VN - Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão số 16 (bão Tembin) ở vào khoảng 8,1 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 290km về phía Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Tây Bắc, khoảng 100km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 50km tính từ vùng tâm bão.

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương nhận định: “Bão số 16 có di chuyển lệch về phía Nam khoảng 10km, từ 8,2 độ Vĩ Bắc xuống 8,1 độ Vĩ Bắc.

Thời điểm hiện nay, bão Tembin vẫn có cường độ cấp 10-11, giật cấp 13. Trong 24h tiếp theo, bão Tembin tiếp tục di chuyển theo hướng Tây là chủ yếu, có lệch dần về phía Nam, nhưng theo quy định thì chưa hẳn là hướng Tây Tây Nam”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát, đôn đốc công tác ứng phó bão số 16 tại cửa biển huyện Trần Đề, Sóc Trăng

Cũng theo ông Hoàng Đức Cường, vùng tâm bão sẽ đi xuống phía dưới Cà Mau. Tuy nhiên, vùng gió mạnh vẫn tồn tại ở phía Bắc và phía Tây của cơn bão là chính, phía Nam ở ngoài biển thì ít hơn.

Cho nên, tất cả các tỉnh từ Sóc Trăng trở xuống, khi bão đến vẫn có gió mạnh cấp 8, ở các tỉnh khác có gió cấp thấp hơn, khoảng cấp 6-7, tuy nhiên, gió giật đến sớm hơn.

Bão Tembin chuyển theo hướng Tây nhưng đường đi và tiệm cận vào bờ có lệch về phía Nam, vì vậy phạm vi bao trùm trước đây là cả tỉnh Sóc Trăng, sau khi lệch Nam khoảng 10km thì một phần tỉnh Sóc Trăng vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng, vùng nguy hiểm.

Bão số 16 (bão Tembin) đang di chuyển lệch xuống phía Nam

Cụ thể, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h, đến 10 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau – Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Từ trưa nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 12; sóng biển cao từ 6-8 mét.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6-7, giật cấp 9. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.

Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-6 mét.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 101,9 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 150km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9, sóng biển cao 3-5 mét. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Trong ngày và đêm nay (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Theo số liệu của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến 8 giờ ngày 25/12, toàn tỉnh đã di dời dân được 1.908; chằng chống nhà cửa được 38.588/73.528; đã kiểm đếm được 888 tàu cá ven bờ, phương tiện thuỷ gia dụng là 2.644 phương tiện; số tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn là 7.239.

Trong đó, TP Cà Mau dự kiến di dời dân với số lượng 3.814 dân (hiện chưa di dới), có 2.422 nhà phải chằng chống. TP Cà Mau cũng đã thu hoạch 410 ha/3.225 ha lúa, đang thu hoạch 250 ha lúa; đang thu hoạch 80 ha lúa tôm.

Về phương tiện tàu cá, huyện Ngọc Hiển có 3 phương tiện đang chạy vào, 151 phương tiện tỉnh khác đang neo đậu; huyện Phú Tân có 3 phương tiện đang ở ngoài khơi; huyện Trần Văn Thời có 349 phương tiện xa bờ đang ở ngoài biển (hiện đã liên lạc được, an toàn), 142 phương tiện đang trú ở nước ngoài.