Nhà văn Đình Kính kể chuyện kịch bản “Chủ tịch tỉnh” phần 2:

“Bạo phổi” lắm mới dám làm

ANTĐ - Bộ phim truyền hình về đề tài phòng chống tham nhũng “Chủ tịch tỉnh” từng gây tiếng vang sẽ nối dài thêm những mảnh đời, số phận với 40 tập phim ở phần 2. PV Báo An ninh Thủ đô đã trò chuyện cùng nhà văn Đình Kính về kịch bản nguyên tác của bộ phim. 

Bộ phim “Chủ tịch tỉnh” phần 1 đã tạo được tiếng vang khi khai thác mảng đề tài chống tham nhũng

- PV: Sự thành công của phần 1 “Chủ tịch tỉnh” có những áp lực cho nhà văn khi tiếp nối dư âm đẹp về bộ phim này?

- Nhà văn Đình Kính: Thường thì để tiếp nối những thành công trước đó, bất luận lĩnh vực nào, người thực hiện đều chịu nhiều áp lực. Viết “Chủ tịch tỉnh” phần 2 khi  phần 1 đã có những thành công nhất định được người xem hoan nghênh, tác giả kịch bản cũng chịu áp lực từ nhiều phía. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Liệu phần 2 có đạt được sự thành công như phần 1? Liệu có hấp dẫn, có thu hút người xem, hay phần 2 chỉ là việc “đãi bôi”, “làm loãng” mọi sự? Nhiều bạn bè khuyên tôi nên dừng lại, phần một như vậy là đạt rồi. Viết phần 2 làm gì cho nhạt những vấn đề phần 1 đã đề cập… Phải “bạo phổi” lắm tôi mới dám nhận lời viết kịch bản “Chủ tịch tỉnh” phần 2… Và tôi tin rằng, không muốn nói là hơn, nhưng “Chủ tịch tỉnh” phần 2 sẽ không thua kém “Chủ tịch tỉnh” phần 1 trong cách đặt vấn đề, tính cách nhân vật, độ hấp dẫn, tính kịch và giải quyết mâu thuẫn…

- Viết tiếp phần 2 đồng nghĩa với việc nhà văn sẽ viết tiếp về cuộc chiến chống tham nhũng, những thói hư tật xấu của cán bộ, liệu ở phần 2, khán giả sẽ được chu du vào cuộc hành trình này với những điểm mới mẻ gì?

- Không có gì mới cả nhưng những vấn đề  tiêu cực trong xã hội được mở rộng hơn, gắn với những vụ việc rất thời sự đã và đang xảy ra. Tất nhiên để dễ “trôi”, tác giả đã hư cấu như một tác phẩm văn học. Trong kịch bản phần 2, những tiêu cực được phản ảnh không chỉ ở cán bộ tỉnh, mà còn manh nha ở lớp cán bộ cao hơn (còn phim có giữ được những điều trong kịch bản, lại là chuyện khác).  Kịch bản phần 2, chủ yếu phản ảnh lợi ích nhóm và sự liên kết một cách tinh vi, lắt léo của hiện tượng này.

- Nhà văn vừa nói, ông đưa vào kịch bản những vụ việc rất thời sự đã và đang xảy ra... Ông có thể cho biết rõ hơn không?

- Điều này tôi xin được không trả lời… Bí mật là yếu tố đầu tiên để người xem tò mò. Mà được người xem tò mò là một phần góp nên thành công của phim… Tuy vậy, xin bật mí một chút, những câu chuyện đang được xã hội quan tâm, tác giả đã cố gắng để những vấn đề ấy “có mặt” trong kịch bản. Xem phim là khán giả nhận ra ngay.

- Thành công ở mảng đề tài chính luận, đã khi nào ông thử lý giải sự thành công đến với mình từ những yếu tố nào?

- Vốn sống! Điều này nghe có vẻ cũ kỹ, nhưng đúng vậy. Một yếu tố nữa là kinh nghiệm của người viết. Thể loại phim, vẫn quen gọi là phim “Chính luận” là loại phim rất khó thực hiện, kịch bản cũng cực kỳ khó viết. Không cẩn thận sẽ khô khan và chỉ thấy họp, họp và những phát ngôn đao to búa lớn. Phản ảnh cuộc sống của những nhân vật có địa vị trong xã hội, lại là những vấn đề tiêu cực (phim “Chủ tịch tỉnh” chẳng hạn) không dễ dàng chút nào. Nhưng dẫu viết gì, tiêu cực hay tích cực thì cuối cùng, tính cách, số phận nhân vật, thân phận con người thông qua hành trình cuộc đời của họ phải là yếu tố được quan tâm hàng đầu.

- Từng là người lính hải quân nên các tác phẩm văn học của ông thường có hình ảnh về biển trời sông nước, vậy không biết ở “Chủ tịch tỉnh” phần 2 có một nào chút nào “sóng” không thưa ông?

- Rất nhiều “sóng”! Đời tư, việc công, chuyện xã hội và các mối quan hệ đều rất “sóng”. “Sóng” đến chóng mặt. Nhưng đó là cách nhìn chủ quan của tác giả. Người xem thấy có “sóng” hay không lại là chuyện khác.

- Công việc của một nhà văn, một nhà biên kịch có mang lại cho ông nguồn thu nhập ổn định. Ông có sống được với nghề viết?

- Ở nước ta, chẳng một ai viết văn mà đủ sống, càng không thể giàu. Nhưng làm nghề viết  thì có thể có cuộc sống ổn định. Ngoài văn chương, là thứ biết rằng nhuận bút chẳng đủ mua sách tặng bạn bè nhưng không thể bỏ, những người có cuộc sống kha khá đều là những người hy sinh “thời gian văn chương” của mình để tham gia viết các thể loại khác, như viết báo, viết kịch bản phim, kịch bản lễ hội, các loại kịch bản sân khấu, viết sử, và viết…  thuê.  Nhưng số này không nhiều lắm… Tôi không sống bằng văn chương, nhưng tôi sống được nhờ “nghề viết”.

- Xin cảm ơn nhà văn!