Bảo mẫu đạp cháu bé 18 tháng tuổi vỡ tim, dập phổi, rách gan, gây tử vong, phạm tội gì, có tử hình không?

ANTĐ - Sự việc bé 18 tháng tuổi Đỗ Nhất L., con trai của chị Võ Thị H. (SN 1989, ngụ tỉnh Hà Tĩnh, tạm trú quận Thủ Đức) bị bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ hành hạ dã man dẫn đến tử vong, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ án

N - 18 tuổi, quê tại tỉnh C, thuê trọ tại  quận T, TP.HCM  ở cùng chồng và con nhỏ 2 tuổi. N ở nhà trông trẻ thuê kiếm tiền. Do biết N trông trẻ không tốt nên cũng ít người thuê. Hiện N nhận trông cháu D (18 tháng tuổi), con chị T với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Chị T là công nhân nghèo, không có tiền gửi con đến chỗ có điều kiện tốt hơn nên đành phải nhờ N trông. Như mọi lần, chị T mang con đến giao cho N trông và nhờ N cho bé ăn sáng. Trong lúc cho ăn do cháu D khóc nên N xách ngược cháu lên để dọa nhưng bị tuột tay làm bé ngã xuống nền nhà. Sau khi bị ngã bé D vẫn tiếp tục khóc, tức giận N dùng chân đạp mạnh một cái lên ngực và một cái lên bụng bé, sau đó bỏ đi vệ sinh. Khoảng 20 phút sau N quay ra thì thấy bé D nằm bất động trên nền nhà nên ấn tay lên ngực bé để cấp cứu nhưng bé vẫn không cử động. N gọi người dân xung quanh chở bé đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng bé đã chết trước khi được đưa đến bệnh viện. Ngay sau đó N bị Công an bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, N đã khai nhận hành vi phạm tội như trên. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cháu D tụ máu ở vùng cổ, sưng màng sụn thanh khí quản. Hai phổi bị dập, bầm tụ máu vùng trung thất trước, rách màng ngoài tim bên phải, vỡ tiểu nhĩ phải, rách gan.

Theo bạn đọc, N phạm tội gì, có phải chịu hình phạt tử hình không?

Ý kiến bạn đọc 

Hành vi quá dã man, phải loại con người này ra khỏi đời sống xã hội

Không thể chấp nhận được hành vi dã man như vậy. N là người đã có con, đã làm mẹ mà đang tâm hành hạ một cháu bé mới có 18 tháng tuổi không có khả năng tự vệ đến chết là quá tàn ác. N đã 18 tuổi là người đủ hiểu biết, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Pháp luật quy định ở độ tuổi này, N buộc phải biết được hậu quả do hành vi của mình gây ra đối với một cháu bé mới 18 tháng tuổi. Hành vi của N không phải là một hành vi mà là một chuỗi hành vi liên tiếp, xách ngược cháu bé lên rồi tuột tay làm rơi bé (cần làm rõ hành vi tuột tay do vô tình hay cố tình thả cháu xuống), sau đó lại đạp mạnh cháu tới 2 lần vào những vị trí nguy hiểm trên cơ thể, rồi bỏ mặc cháu không cần biết hậu quả xảy ra như thế nào. Hành vi này thể hiện sự cố ý phạm tội đến cùng và bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Tôi cho rằng, cần phải loại con người độc ác này ra khỏi đời sống xã hội bằng hình phạt cao nhất của pháp luật. Hơn nữa thực tế hiện nay có rất nhiều bảo mẫu vô lương tâm, đánh đập hành hạ trẻ em. Việc xét xử nghiêm minh với N còn là để làm gương cho người khác.

Chị Trần thị Nga (Tiên Lãng, Hải Phòng)

N không phạm tội giết người mà phạm tội cố ý gây thương tích

Phải nói rằng đây là hành vi hết sức độc ác, không thể dung thứ, đáng bị lên án cả về mặt pháp luật lẫn luân thường đạo lý. Nhưng khi phán xét trên cơ sở pháp luật thì phải căn cứ vào những quy định của pháp luật. Để kết tội N có phạm tội giết người hay không  bên cạnh việc xem xét các yếu tố cấu thành tội phạm, mặt khách thể, khách quan, yếu tố lỗi, hậu quả của tội phạm… thì cần xem xét đến động cơ, mục đích phạm tội của N. Các cơ quan tố tụng cần phải xác định rõ N có ý định tước đoạt mạng sống của cháu D hay không, ý định tước đoạt mạng sống của cháu D có được N chủ định từ trước khi thực hiện hành vi hay không. Nếu vì một mục đích nào đó mà N muốn giết cháu D và cố tình thực hiện các hành vi để cháu D bị chết thì mới đủ yếu tố cấu thành tội giết người. Trong trường hợp này, mặc dù N dùng hàng loạt các hành vi dã man liên tiếp đánh đập cháu D, nhưng mục đích là để đe dọa không cho cháu khóc, chứ N không lường trước hậu quả cháu D sẽ tử vong, và cũng không mong muốn hậu quả xảy ra. Việc cháu D bị chết nằm ngoài ý muốn của N. Điều này thể hiện rõ trong nội dung vụ án: khi quay lại phát hiện cháu D nằm bất động, N đã ấn ngực hy vọng cứu sống cháu bé, đồng thời hốt hoảng gọi người hỗ trợ đưa cháu đi bệnh viện. Hành vi của N là cố ý đối với hành động gây thương tích nhưng lại vô ý với hậu quả chết người. Nếu như theo nội dung vụ án mô tả thì hành vi của N là phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người được quy định tại khoản 3 điều 104 Bộ luật Hình sự (Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm). Tôi cho rằng khi định tội đối với N các cơ quan tố tụng cần làm rõ việc xác định ý thức chủ quan của bị cáo khi thực hiện hành vi từ đó mới có thể định tội một cách chính xác được.

Ông Nguyễn Mai Phong (Tuy Hòa, Phú Yên)

N phạm tội giết người với tình tiết tăng nặng là giết trẻ em

Khoản 1, Điều 93 – Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định về tội giết người như sau: “Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người ;m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn.” 

Hành vi của N đã xâm phạm đến quyền sống của con người, N đã tước đoạt mạng sống của người khác với lỗi cố ý (thực hiện liên tiếp các hành vi hành hạ, đánh đập cháu bé). N đủ năng lực hành vi để nhận thức được hành vi đánh đập liên tiếp như vậy sẽ gây ra cái chết cho cháu bé. Hành vi của N có dấu hiệu của tội giết người. Theo kết quả giám định pháp y với những tổn thương như của cháu D, chắc chắn N đã phải đạp rất mạnh mới gây ra những vết thương nặng như vậy. Hơn nữa, trong trường hợp này N đã giết chết cháu bé 18 tháng. Hành vi này là tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm c trong điều luật, như vậy, N có thể phải chịu tội giết người với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Anh Cao thanh Hải (Kim Động, Hưng Yên)


N phạm tội giết người nhưng không đến mức phải chịu án tử hình

Tôi đồng tình với quan điểm truy tố N về tội giết người vì hành vi của N đã trực tiếp gây nên cái chết của cháu D, tước đi mạng sống của cháu D, hành vi của N được thực hiện với lỗi cố ý bằng hành động hành hạ đánh đập cháu D. N biết được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho cháu bé và có thể gây nên cái chết của cháu. N phạm tội giết người. Tội giết người được xác định khi người phạm tội biết hành vi của mình tất yếu làm nạn nhân chết mà vẫn thực hiện dù không muốn giết. Trong trường hợp này, cháu D bị tử vong là ngoài ý muốn của N, N không mong muốn cháu D bị chết. Song nếu định khung hình phạt đối với N với mức án cao nhất là có phần chưa thỏa đáng. Hơn nữa khoản 1, điều 93, Bộ luật Hình sự cũng quy định khung hình phạt với các mức là: “phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Trong trường hợp này, áp dụng hình phạt tù là đủ để răn đe với người phạm tội không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất của khung hình phạt.

Anh Đinh Văn Tài (Cổ Bi, Đông Anh)


Ý kiến luật sư

Nhiều khả năng đứa trẻ bị ném chứ không phải tuột tay

Xem xét toàn bộ các tình tiết đã được xác định qua kết quả điều tra chúng ta cần khẳng định mấy điểm sau:

Hung thủ N không có động cơ giết người. Nhận định này có căn cứ từ hành vi N có các động tác cấp cứu cho nạn nhân như ấn ngực làm hô hấp nhân tạo, gọi người giúp đỡ đưa nạn nhân đi cấp cứu…

Nhưng mặt khác là người chăm sóc trẻ, là người nuôi con nhỏ, N cũng có ý thức rằng những hành vi của mình có thể gây cái chết cho nạn nhân, nhưng vẫn thực hiện, thậm chí thực hiện một cách cương quyết bằng cách thả đứa trẻ xuống đất rồi đạp mạnh lên người một đứa trẻ 18 tháng hai lần và bỏ đi. Trong trường hợp này hành vi làm cho đứa trẻ ngã cắm đầu xuống đất không phải là tuột tay để đứa trẻ rơi xuống vì nếu tuột tay để đứa trẻ rơi xuống, phản ứng thông thường của một người bình thường sẽ là cúi xuống đỡ đứa trẻ lên, xem xét thương tích, sơ, cấp cứu… Xem xét hành vi tiếp theo của hung thủ là đạp mạnh đứa trẻ hai cái, chúng ta càng khẳng định: Đứa trẻ đã bị dốc ngược lên và ném xuống đất.

Với những nhận định như vậy, theo tôi, hành vi của N có dấu hiệu của tội giết người, cụ thể ở đây là giết trẻ em theo khoản 1, tiết c, điều 93 Bộ Luật Hình sự với tội danh Giết người.

Tuy nhiên, với tư cách luật sư, chúng tôi đề nghị nên có những giám định tình trạng tâm thần của hung thủ cũng như xem xét các sự việc và diễn biến tâm lý của hung thủ N tại thời điểm gây án để loại trừ khả năng gây án do yếu tố bệnh tâm thần. Những ảnh hưởng tâm thần nếu có cũng chỉ có thể xem như một tình tiết lý giải nguyên nhân phạm tội vì toàn bộ kết luận điều tra cho thấy bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, N đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, hung thủ chưa có tiền án, tiền sự, hợp tác với cơ quan điều tra và đặc biệt hành vi cấp cứu cho nạn nhân và gọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu là những tình tiết giảm nhẹ cho hung thủ.

Với những nhận định này, nếu cơ quan điều tra không có thêm những kết luận mới về tình trạng tâm thần của hung thủ, N có thể bị truy tố về tội Giết người theo tiết c, khoản 1, điều 93 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt từ 7 đến 20 năm tù.