Bạo lực vẫn tiếp diễn ở Syria

ANTĐ - Ngày 28-5, cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập đã tới tới Thủ đô Damascus của Syria nhằm thúc đẩy việc thực thi kế hoạch hòa bình do ông đề xuất tại nước này. 

Hình ảnh từ đoạn băng ghi cảnh nạn nhân thiệt mạng ở Hama ngày 27-5

Đặt chân tới Thủ đô Damascus, ông Kofi Annan kêu gọi tất cả các bên xung đột hãy chấm dứt đổ máu. “Thông điệp hòa bình này không chỉ gửi tới chính phủ mà cho tất cả những người có vũ khí ở Syria” - ông Annan nói. Chuyến công du lần thứ hai của ông Kofi Annan tới Damascus giữa lúc bạo lực vẫn tiếp diễn. Ngày 27-5, bạo lực đã khiến ít nhất 41 người thiệt mạng tại vùng lân cận của thành phố Hama - nơi được coi là thành trì của lực lượng chống chính phủ. Trước đó, hôm 25-5, vụ thảm sát tại thị trấn Houla ở miền Trung Syria, làm hơn 100 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.

Trên các mạng xã hội ngày 28-5 đăng tải tràn lan những đoạn băng video nghiệp dư ghi lại cảnh những thi thể nạn nhân được đặt trong một căn phòng và nói rằng họ bị sát hại ở thành phố Hama của Syria ngày 27-5. Lực lượng đối lập nói rằng, xe tăng và xe bọc thép của lực lượng quân đội ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đã nã pháo vào một khu dân cư gần thành phố Hama giết chết ít nhất 41 người, trong đó có nhiều trẻ em sau những cuộc giao tranh với lực lượng nổi dậy tại thành phố này.

Tuy nhiên, những đoạn băng video, những bức ảnh được đăng tải trên các trang mạng xã hội này không thể kiểm chứng về độ xác thực. Nếu một năm trước đây, mạng xã hội đã được đề cao vai trò như là công cụ hữu hiệu tạo ra làn sóng chống chính phủ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi thì ngày càng có nhiều người cho rằng nếu không có nó, cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria đã không gây hậu quả chết chóc đến như vậy.

Đoạn video đang gây tranh cãi nhiều nhất được quay từ Syria, đăng tải trên Youtube, cho thấy hình ảnh một nhà hoạt động chống chính phủ đã bị lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad chôn sống. Tuy nhiên, cho đến nay, tính xác thực của đoạn băng hình trên vẫn là một câu hỏi lớn. Thậm chí, hiện nay, các trang mạng Facebook ở Syria còn được dùng để đăng danh sách những nhân vật là mục tiêu ám sát. Hình ảnh và hồ sơ cá nhân của nhiều quan chức chính phủ Syria bị đăng tải trên các website của phe đối lập, kêu gọi lực lượng ủng hộ phe chống đối tiêu diệt họ. Nhiều nhà hoạt động cho rằng, những tác động của mạng xã hội đã cho thấy nó không khác gì con dao hai lưỡi trong cuộc khủng hoảng ở Syria hiện nay.