Bạo lực tuổi học trò: Chặn đứng những lệch lạc

ANTĐ - Cùng với những biện pháp trấn áp quyết liệt, công tác phòng ngừa, giáo dục học sinh, thanh thiếu niên phạm tội được CATP Hà Nội và Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đặc biệt coi trọng góp phần chặn đứng thực trạng này.

Hướng dẫn kỹ năng sống, thói quen tôn trọng pháp luật

là biện pháp giúp thanh, thiếu niên có lối sống lành mạnh


Đau lòng những vụ án

Theo thống kê của CATP Hà Nội, nếu như năm 2009 trên toàn địa bàn thành phố chỉ xảy ra 2 vụ giết người thì đến năm 2010 tăng lên 1 vụ. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2011, số vụ án giết người liên quan đến độ tuổi chưa thành niên bằng cả năm 2010. Lý giải những nguyên nhân dẫn tới bạo lực trong nhà trường, các cơ quan chức năng trong đó có ngành giáo dục khẳng định có vô vàn lý do, trong đó bắt nguồn từ những mâu thuẫn rất nhỏ nhặt giữa các học sinh cùng trường hoặc ở trường khác. Hậu quả không chỉ dừng lại ở việc học sinh tự gây thương tích cho nhau mà còn khiến nhiều vụ án mạng xảy ra. Cụ thể, ngoài 42 vụ học sinh tụ tập đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, Cơ quan CSĐT CATP còn thống kê có 2 vụ học sinh dùng dao, kiếm giết chết bạn học.

Đến nay, dù đã qua hơn 4 tháng nhưng mỗi khi nhắc lại, thầy trò trường THPT Quảng Oai, Ba Vì vẫn bàng hoàng thương xót cho cậu học trò lớp 10 xấu số Nguyễn Tuấn Anh. Trước khi xảy ra vụ án mạng đau lòng, giữa nạn nhân và đối tượng là bạn học cùng lớp có nảy sinh mâu thuẫn. Những mâu thuẫn này không được nhà trường, gia đình hóa giải kịp thời đã dẫn tới sự thù hằn giữa 2 học sinh trên. Sau giờ ra chơi, Nguyễn Duy Phong đã dùng dao nhọn dao gọt hoa quả đâm 1 nhát vào bụng của Nguyễn Tuấn Anh. Do vết thương trúng chỗ hiểm nên Tuấn Anh đã tử vong.

Bạo lực học đường không chỉ dừng ở hành vi dùng nắm đấm, cú đá để thể hiện cái “tôi” mà còn xuất hiện tình trạng một số học sinh tụ tập thành hội hoặc “băng nhóm” dùng hung khí đâm chém nhau để “lấy số lấy má”. Chưa hết, cá biệt có học sinh còn tự chế tạo bom xăng để tấn công bạn học như Trần Ngọc Sang (SN 1997) học sinh lớp 9 trường THCS Trung An, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Cũng xuất phát từ mâu thuẫn với bạn học cùng trường là em Trần Thị Thanh Trúc, Sang đã chế tạo 2 quả bom xăng và mang tới trường tìm cơ hội dằn mặt Trúc. Thời điểm quả bom xăng phát nổ vào khoảng 12h ngày 29-8 khiến 6 người bị thương, trong đó có 1 học sinh bị bỏng 45% sau khi Sang ném thẳng vũ khí tự tạo vào Trúc và nhóm bạn cùng ngồi chơi giữa sân trường.

Giáo dục là yếu tố cốt lõi

Đi tìm những nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng tình trạng bạo lực học đường, Thượng tá Nguyễn Viết Chức-Phó Trưởng phòng CSHS CATP khẳng định, yếu tố gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng bởi đa phần số thanh thiếu niên phạm tội này đều sinh ra trong những gia đình không có cuộc sống thật sự lành mạnh, hạnh phúc. Bản thân những đối tượng đó không nhận được sự giáo dục đầy đủ của gia đình từ nhỏ. Đó còn chưa kể tới tác động của các yếu tố khách quan như bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo vào những trò chơi bạo lực… từ đó khiến số học sinh này ngày càng trượt dài, nhân cách phát triển lệch lạc.

Để chặn đứng những nhức nhối này, Trung tá Bùi Văn Đang-Trưởng CAP Dịch Vọng cho rằng: “Phải có sự vào cuộc tổng thể từ gia đình, nhà trường và xã hội”. Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Ban Giám hiệu trường THPT Chu Văn An cũng chia sẻ, việc giáo dục nhân cách, ý thức chấp hành pháp luật là yếu tố mấu chốt và được đặt lên hàng đầu. Cơ quan công an cũng không thể làm thay hết phần việc quản lý số đối tượng học sinh hư của gia đình, nhà trường. Bản thân các trường cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với gia đình các học sinh để kịp thời nắm bắt tâm lý, giải quyết những khúc mắc và cả mâu thuẫn của số học sinh này. Có như vậy, tình trạng bạo lực học đường mới được chặn đứng.