Bạo lực học đường gia tăng vì… quá chú trọng dạy chữ

ANTĐ -Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận chiều nay, 12-6, nhiều ĐBQH băn khoăn trước thực trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. 

ĐBQH Nguyễn Văn Minh chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chiều 12-6 (Ảnh: Thuần Thư)

Trả lời các câu hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, ngoài các nguyên nhân về xã hội, có thể nói một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng cũng vì ngành giáo dục chú trọng vào việc dạy chữ, tập trung trang bị kiến thức cho các cháu mà chưa trang bị đủ về các kỹ năng, việc dạy người.

“Để khắc phục, chúng ta đã có quyết định chiến lược: Chú ý phát triển năng lực và phẩm chất, hỗ trợ tạo điều kiện để trẻ hình thành kỹ năng tự học, trải nghiệm thực tế” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.  

Chưa hài lòng với câu trả lời này ĐB Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) hỏi tiếp: “thống kê học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt càng lên bậc học cao càng giảm, ngược lại bạo lực học đường càng tăng. Bộ trưởng đánh giá thế nào về chất lượng giáo dục công dân trong các cấp học?”

Trả lời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc giảng dạy, đánh giá kết quả của học sinh ở các cấp hiện nay chủ yếu căn cứ vào kết quả văn hóa. Ở bậc học cấp dưới, do có ít môn học nên học sinh có hạnh kiểm cao. Thừa nhận đánh giá hạnh kiểm hiện nay thường lệch về văn hóa, Bộ trưởng chia sẻ tới đây sẽ có sự thay đổi để khuyến khích các cháu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức tốt hơn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết tới đây sẽ thay đổi cách đánh giá hạnh kiểm học sinh
(Ảnh: Thuần Thư)

Tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐB về việc đánh giá chất lượng học sinh tiểu học theo Thông tư 30, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc đánh giá học sinh một cách thường xuyên bằng nhận xét kết hợp với chấm điểm vào cuối kỳ và cuối năm là bước chuyển phù hợp với thực tế đang được các quốc gia tiên tiến áp dụng. Kết quả cho thấy, nhờ việc thực hiện Thông tư 30, việc học thêm, dạy thêm đã giảm, động lực học tập của các cháu được cân chỉnh lại.

“Phương pháp này nhằm thay đổi việc học của học sinh, từ chỗ học vì điểm số tiến tới học để hoàn thiện kỹ năng, phẩm chất. Mặc dù trong quá trình triển khai đồng loạt có xuất hiện trục trặc nhỏ, có chỗ giáo viên nhận xét khe khắt quá, có chỗ khen rộng rãi quá khiến nhiều gia đình không biết con mình học ở mức nào. Bộ sẽ có chấn chỉnh về vấn đề này cho phù hợp” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.