Bạo lực giới là rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội

ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn được xem là trở ngại lớn trong việc xoá bỏ bất bình đẳng giới ở Việt Nam.

Bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái là trở ngại lớn trong việc xoá bỏ bất bình đẳng giới ở Việt Nam

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2018, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới có chủ đề "Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em".

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020.

Những năm qua, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Chỉ tiêu nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 27,8% năm 2017, cao nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ.

Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 27,2%, cao hơn mức 19% của Châu Á và 21% trung bình toàn cầu, được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng đứng thứ 97/144 quốc gia về tỷ lệ nữ tham gia chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn những thách thức trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là với trẻ em gái ở Việt Nam. Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn được xem là trở ngại lớn trong việc xoá bỏ bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Bạo lực trên cơ sở giới không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nạn nhân mà còn tác động và là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc lựa chọn chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” nhằm huy động sự tham gia đồng bộ, cùng vào cuộc một cách chủ động, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và nam giới trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và cam kết về một cộng đồng an toàn, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.