Bạo lực gia đình: Muôn mặt nỗi đau

ANTĐ - Gần 60% phụ nữ Việt Nam đã và đang gánh chịu bạo lực gia đình (BLGĐ). Tuy mỗi người chịu một kiểu bạo hành khác nhau, nhưng nỗi đau đớn tê dại trong tâm hồn, sự tuyệt vọng khốn cùng trong nghĩa tình dường như lại giống nhau. 

Bộ quần áo ngủ đau đớn

“Bộ quần áo ngủ này đã tan nát như chính thân thể và tâm hồn tôi khi chồng tôi “đòi yêu”. Tôi không đồng ý vì mới cách đây 3 hôm, tôi vừa phải ra Trung tâm y tế huyện giải quyết lần thứ 5, sau khi sinh con được gần 2 năm. Đáng lẽ, tôi cần được nghỉ ngơi thì chồng tôi lại đòi quan hệ. Anh ta nhất định không dùng bao cao su. Khi tôi từ chối, anh ta lao vào xé quần áo tôi, tấn công tôi như thú dữ. Anh ta vừa quan hệ, vừa tát, vừa đấm. Anh ta cắn vào những chỗ nhạy cảm, túm tóc tôi dằn xuống giường, mồm chửi: “Mày không chiều tao thì mày để dành cho bố mày à?. Kết quả của trận cuồng dâm ấy là mặt mũi tôi sưng vù, chỗ kín bị viêm nhiễm phải điều trị mấy tháng, cơ thể đầy vết cắn” – Đây là một trong những câu chuyện được chia sẻ tại Triển lãm bằng chứng BLGĐ do Trung tâm nghiên cứu khoa học gia đình, phụ nữ, giới và vị thành niên (CSAGA) vừa tổ chức. 

Mỗi người vợ chịu một nỗi đau đớn về thể xác khác nhau. Có chị bị chồng đánh vì bất cứ lý do gì. Mỗi khi thấy mặt vợ ngu ngu, không vâng lời, chậm chạp hoặc chỉ cần có điều gì bực tức là người chồng lại trút giận lên vợ. Anh ta lấy bất cứ cái gì để phang lên người vợ từ lò than, búa, đến chậu hoa. Lúc nào mệt thì anh ngồi thở và mạt sát vợ. Lại có anh dùng xích chó giam vợ lại. Lại có người, vợ mệt mỏi, buồn khổ không “chiều”, anh xé quần xé áo, kề dao vào cổ vợ “đòi yêu”. 

Ngày qua ngày, những người chồng bạo hành vẫn lặp lại hành động của mình, chỉ có khác là “phương tiện” bạo hành và mức độ ngày càng nặng hơn. Nỗi đau tê dại trên da thịt và nước mắt cũng cạn trong trái tim những người vợ, người mẹ. Nhưng nhiều người chồng vẫn cao giọng: “Vợ tao, tao có quyền dạy”. 

Những vật chứng vô tri trong triển lãm lại chính là tiếng nói khốc liệt nhất về sự tàn bạo của BLGĐ. Có cả những vật dụng đơn sơ hàng ngày, những thứ để phục vụ gia đình, chăm chút cho hạnh phúc như nồi niêu, chạn bát, ghế, đũa cả, chổi… Có những thứ mới nhìn đã rợn người như dao, kéo, búa, vồ, xích sắt… 

Càng hòa giải - càng đau

Theo báo cáo đánh giá thực thi Luật phòng chống BLGĐ của CSAGA tại 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Nam, biện pháp chính mà chính quyền áp dụng khi can thiệp các vụ BLGĐ là hòa giải, có tỉnh lên đến hơn 60%. Ngoài ra, có đến hơn 50% các vụ BLGĐ chính quyền không được báo hoặc có báo chính quyền cũng không có tác động gì. Đối với những biện pháp phòng chống BLGĐ mạnh hơn như cấm tiếp xúc, báo thủ trưởng cơ quan, giáo dục tại cộng đồng còn rất xa lạ. Tại Hòa Bình cũng rất khiêm tốn với tỷ lệ lần lượt là 3,85%, 7,7%, 3,85%. 

Bà Nguyễn Thu Thúy (chuyên viên CSAGA) cho biết: “Hòa giải càng nhiều, phụ nữ càng ít được giúp đỡ. Hòa giải thường không nghiêm khắc với hành vi bạo lực của nam giới mà thường khuyên phụ nữ “chín bỏ làm mười”, nhịn đi vì con cái, bảo vệ sự vẹn toàn của gia đình, bất chấp việc người phụ nữ có thực sự hạnh phúc hay không, càng ít lo đến sự an toàn của họ”. 

Một trong những lý do việc hòa giải thường mang tính xuê xoa, cầu hòa là do đội ngũ làm công tác hòa giải thường là cán bộ về hưu, đôi khi kiến thức xã hội, kiến thức về giới còn hạn hẹp. Đặc biệt, họ thường đổ lỗi cho người bị BLGĐ (tại chị nói nhiều, tại không chăm sóc gia đình…) và “gỡ tội” cho người gây BLGĐ (tại anh nóng giận, tại say rượu, tại yêu vợ quá nên ghen…).  Mục tiêu cuối cùng của người hòa giải là gia đình “im ắng” không bạo lực, vợ về với chồng, con có bố, nếu như ly hôn là thất bại của hòa giải… Vì thế, cán bộ hòa giải “cố sức” vun vén để xoa dịu mâu thuẫn mà không tính đến sự an toàn của người phụ nữ. 

Còn chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, nguyên nhân nam giới gây BLGĐ thường xuyên với vợ con là do niềm tin của họ về vị trí của người chồng, người cha trong gia đình bị sai lệch. Họ tin rằng BL và kiểm soát sẽ đem lại hiệu quả cao nhất trong việc quản lý gia đình. Đồng thời, họ cũng khó khăn trong việc lựa chọn các phương pháp giải quyết mâu thuẫn gia đình. “Những người gây BLGĐ là những người gặp khó khăn trong vấn đề kiểm soát hành vi. Ngoài ra họ còn nghiện rượu, chất ma túy càng làm gia tăng bạo lực” - ông Hòa cho biết. Vì thế, theo ông Hòa, ngoài việc thực hiện các biện pháp răn đe, xử phạt nghiêm khắc đối với những người gây BLGĐ, cần phải có một hệ thống hỗ trợ toàn diện cho người gây bạo lực như cai nghiện, trang bị kỹ năng giải tỏa cơn nóng giận, ứng xử... để họ có được một “con đường” để trở về chứ không phải phủ nhận, bài xích, lên án họ là đủ. 

Nghiên cứu bạo lực gia đình quốc gia 2010 cho thấy: 58% phụ nữ từng bị chịu ít nhất 1 trong 3 dạng bạo lực (thể xác, tình dục hoặc tinh thần), 32% phụ nữ từng bị chồng đánh. Nhưng 87,4% phụ nữ bị chồng đánh cho biết họ chưa từng phản ứng lại.