Báo hiệu sự khởi sắc

ANTĐ - Kinh tế Đông Nam Á có thể tạm chững lại trong năm 2013 này song dự báo sẽ khởi sắc và tăng trưởng khả quan trở lại từ năm 2014 nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế đối tác quan trọng.

Đầu tư nước ngoài tăng hay giảm đều tác động quan trọng tới tăng trưởng kinh tế
các nước Đông Nam Á

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á mới nhất ngày 20-10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế khu vực Đông Nam Á sẽ tăng tốc trong năm 2014 nhờ sự phục hồi và tăng trưởng của lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á sẽ là 5,3% do đầu tư và xuất khẩu được hưởng lợi từ thương mại toàn cầu cải thiện trong khi sự giảm giá gần đây của các đồng tiền Đông Nam Á sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu.

Cùng với việc phát đi tín hiệu tích cực trong năm tới thì ADB cũng đưa ra thông tin không mấy vui khi dự báo tăng trưởng khu vực sẽ giảm 0,5% xuống còn 4,9% trong năm nay, thấp hơn mức 5,6% của năm ngoái. Nguyên nhân chính khiến kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng chậm lại, theo ADB, là do xuất khẩu chậm chạp và đầu tư khiêm tốn đã tạo áp lực làm suy yếu 3 nền kinh tế quan trọng trong khu vực là Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Định chế tài chính lớn bậc nhất toàn cầu là Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay của Đông Nam Á. Trong dự báo đưa ra trung tuần tháng 7 vừa qua, IMF nhận định tăng trưởng trung bình năm 2013 của 5 nền kinh tế Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 5,6%, giảm so với dự báo 5,9% mà thiết chế tài chính này đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. 

Công bố vào các thời điểm khác nhau song ADB và IMF cùng chia sẻ quan điểm cho rằng suy giảm của kinh tế Đông Nam Á trong năm nay là do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, hai thị trường xuất khẩu và đầu tư chính của kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, 2 cuộc khủng hoảng này cũng dẫn tới suy giảm của 2 nền kinh tế mới nổi Trung Quốc và Ấn Độ, 2 đối tác rất quan trọng của các nước Đông Nam Á.

Đông Nam Á cũng đã sớm nhìn nhận được rủi ro với nền kinh tế khu vực khi quá phụ thuộc vào vốn đầu tư FDI cũng như xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Eurozone vốn phục hồi chậm chạp và mong manh. Bên cạnh việc vẫn coi trọng làm ăn với các trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới thông qua nỗ lực cải thiện mạnh môi trường đầu tư của Myanmar, Philippines, Indonesia... Đông Nam Á cũng dần điều chỉnh cơ cấu kinh tế, hướng mạnh hơn tới sự gia tăng đầu tư và tiêu dùng trong nước cũng như đầu tư và thương mại giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Hầu hết các nước Đông Nam Á đều coi đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là một ưu tiên. Điều này có thể thấy qua tuyên bố mới đây của Singapore và Malaysia về việc  tuyến đường sắt cao tốc kết nối Singapore với Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2020. 

Từ nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á cũng như dự báo sự “ấm lên” của kinh tế thế giới năm tới, ADB cho rằng kinh tế khu vực sẽ khởi sắc hơn trong năm 2014, trong đó Philippines, Myanmar là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất với khoảng 7%.