Văn phòng Chủ tịch nước công bố 11 luật:

Bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc

ANTĐ - Ngày 10-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) quy định Bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc

Theo đó, 11 luật mới gồm: Luật Bảo hiểm y tế; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Công chứng; Luật Xây dựng; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phá sản; Luật Hải quan; Luật Đầu tư công và Nghị quyết về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động; Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.          

     

Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2014. Theo Thượng tướng Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an, so với Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và các văn bản hướng dẫn hiện hành, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhiều điểm mới đáng lưu ý. Luật quy định rõ nguyên tắc người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Quy định này nhằm tránh phát sinh phức tạp trong quan hệ đối ngoại, hình sự, dân sự, phục vụ công tác thống kê Nhà nước.

Luật còn quy định cụ thể các trường hợp được miễn thị thực, bỏ quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực Việt Nam ở nước ngoài được cấp thị thực cho các trường hợp không có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể về điều kiện quá cảnh, khu vực quá cảnh và việc quá cảnh đường hàng không, đường biển, quy định các trường hợp bị buộc xuất cảnh và thẩm quyền buộc xuất cảnh.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam còn mở rộng đối tượng được xét cho thường trú đối với người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia và người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000 đồng thời quy định cụ thể điều kiện xét cho thường trú. Luật quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh.

Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) có điểm mới quan trọng là việc sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Luật sửa đổi quy định đối tượng được thanh toán chi phí vận chuyển thống nhất với đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bao gồm: Người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, người thuộc hộ gia đình nghèo…

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhằm tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên thể hiện quan điểm hôn nhân phải là sự liên kết giữa hai người khác giới tính, Luật quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Về Luật này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, điểm mới quan trọng của Luật Hôn nhân và Gia đình là bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Điều này nhằm tôn trọng quyền của vợ chồng trong việc tự thỏa thuận, định đoạt đối với tài sản.

So với Luật Quốc tịch năm 2008, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam không quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và bổ sung  quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam”.

Bên cạnh đó, các Luật Công chứng; Luật Xây dựng; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phá sản; Luật Hải quan, Luật Đầu tư công cũng được công bố, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Cũng trong ngày 10-7, Nghị quyết về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động; Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay cũng đã được công bố.