- Bảo hiểm nhân thọ đã bớt khó, doanh thu dần phục hồi
- Cười ra nước mắt chuyện lương nhân viên bảo hiểm mỗi tháng mua được 1 lượng vàng
- Bán bảo hiểm qua ngân hàng: Thanh tra 2 doanh nghiệp, phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế
Theo báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố, trong năm 2024 của Sun Life Việt Nam ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 3.400 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 3.294 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với năm 2023.
Trong khi đó, chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm ghi nhận hơn 1.609 tỷ đồng, tăng gần 35%, chủ yếu do tăng gấp đôi dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc lên hơn 1.218 tỷ đồng.
Bù lại doanh nghiệp này ghi nhận chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm một nửa, xuống chỉ còn gần 390 tỷ đồng, do vậy tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng không đáng kể so với năm trước, lên 1.999 tỷ đồng.
Doanh thu giảm trong khi chi phí vẫn cao khiến lợi nhuận gộp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Sun Life Việt Nam giảm tới 66% trong năm 2024 về còn 1.295 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính tăng nhẹ lên 634 tỷ đồng.
![]() |
Dù doanh thu liên tục tăng song Bảo hiểm Sun Life Việt Nam lại liên tục báo lỗ |
Về chi phí, Sun Life Việt Nam ghi nhận chi phí bán hàng gần 1.842 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 961,5 tỷ đồng.
Như vậy, sau khi trừ đi chi phí, doanh nghiệp bảo hiểm này ghi nhận lỗ luật từ hoạt động kinh doanh là gần 874 tỷ đồng, cao hơn con số lỗ 805 tỷ đồng năm 2023.
Tổng tài sản của Sun Life đến 31/12/2024 là 20.795 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt sụt giảm mạnh từ 2.195 tỷ đồng xuống còn 584 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lại tăng 16,2% lên 2.680 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi tại ngân hàng với lãi suất từ 4,2% đến 9,5%/năm.
Khoản đầu tư dài hạn là 6.963 tỷ đồng, trong đó trái phiếu Chính phủ chiếm 3.756 tỷ đồng và trái phiếu doanh nghiệp dài hạn 2.001 tỷ đồng; còn lại là tiền gửi kỳ hạn gần 1.000 tỷ đồng, và các khoản đầu tư dài hạn khác là 214 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lớn tài sản dài hạn khác, lên đến 8.959 tỷ đồng, là phí trả trước trong hợp đồng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với TPBank và ACB.
Ở phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả là 9.214 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn (7.515 tỷ đồng), phản ánh áp lực trả nợ trong dài hạn trong bối cảnh kinh doanh chưa mang lại lợi nhuận.
Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vào năm 2013, thông qua mô hình liên doanh với Tổng công ty Bảo hiểm PVI, mang tên PVI Sun Life.
Đến tháng 11/2016, doanh nghiệp này chuyển đổi hoàn toàn thành công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động dưới tên gọi Sun Life Việt Nam.
Trong suốt 12 năm hoạt động tại Việt Nam, công ty chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế duy nhất một lần vào năm đầu tiên hoạt động – năm 2013 – với con số khiêm tốn 36,5 tỷ đồng. Kể từ đó, 11 năm liên tục Sun Life Việt Nam liên tục ghi nhận lỗ, dù doanh thu nhiều năm tăng mạnh.
Năm 2019 khi Sun Life Việt Nam ký kết hợp đồng phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm với TPBank, kéo dài 15 năm. Nhờ đó, doanh thu năm 2020 của doanh nghiệp này tăng mạnh, đạt 1.306,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm này công ty vẫn báo lỗ sau thuế 644,7 tỷ đồng.
Tiếp đến, năm 2021 Sun Life tiếp tục ký kết một hợp tác phân phối độc quyền khác với Ngân hàng ACB. Theo đó, doanh thu đã tăng vọt lên mức 3.014,5 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với năm trước. Đáng nói, đi kèm doanh thu tăng mạnh thì khoản lỗ sau thuế cũng phình to, lên tới gần 1.445 tỷ đồng.
Tính đến nay, sau 11 năm thua lỗ liên tiếp Sun Life Việt Nam đang có khoản lỗ luỹ kế lên đến gần 6.365 tỷ đồng, bằng 35,4% vốn chủ sở hữu.