Bảo hiểm cho cầu thủ ở Việt Nam: Muộn còn hơn không!

ANTĐ - Phiên họp Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa đưa ra một dự thảo mang tính bước ngoặt, là các cầu thủ ở V-League có thể được mua bảo hiểm từ mùa giải tới, điều lẽ ra phải làm từ rất lâu rồi.
Bảo hiểm cho cầu thủ ở Việt Nam: Muộn còn hơn không! ảnh 1

Bạo lực sân cỏ sẽ được “xoa dịu” khi các cầu thủ có bảo hiểm cá nhân

Bạo lực sân cỏ ngày càng gia tăng

Bảo hiểm cho cầu thủ ra sân thi đấu là một phần quan trọng của bóng đá chuyên nghiệp, nhưng phải mất 15 năm sau khi “lên chuyên”, bóng đá Việt Nam mới bắt đầu tính đến điều này. Đáng nói ở chỗ, ai theo dõi bóng đá Việt Nam thời gian qua đều thấy mức độ bạo lực ngày càng gia tăng. Nhiều trận đấu diễn ra mà trọng tài phải rút thẻ vàng, thẻ đỏ “mỏi tay”, nhiều cầu thủ ra sân không tập trung đá bóng mà chỉ lo triệt hạ đối thủ…

Những cầu thủ như Anh Khoa (Đà Nẵng) hay Abass (Bình Dương) không phải là những nạn nhân đầu tiên của những cú vào bóng “quá chân” trên sân cỏ Việt Nam. Năm ngoái, tiền vệ Thanh Hải của ĐT.LA từng phải đi thẳng từ sân bóng đến bệnh viện sau khi bị lệch khớp vai do va chạm với Văn Bình của Bình Dương. Hay chấn thương gãy đôi ống chân khủng khiếp của Anh Hùng do bị Trần Đình Đồng (SLNA) đạp thẳng vào, rồi Danny David bị Đinh Văn Ta song phi thẳng vào người khiến xương sườn bị rạn.

Trong số này, chỉ một phần rất nhỏ đã được mua bảo hiểm và mọi chuyện đã được xoa dịu nhanh chóng, như trường hợp của Abass. Nó không khiến Thanh Hào phải mệt mỏi trong việc phân định giữa tình và lý như vụ Quế Ngọc Hải - Anh Khoa. Nhiều người cho rằng, nếu Anh Khoa được mua bảo hiểm đầy đủ, sự việc đã nhanh chóng kết thúc và Quế Ngọc Hải cũng không phải vất vả lặn lội xoay tiền để đền cho “nạn nhân” của mình như vậy (hơn 800 triệu đồng). Trong vụ này, lãnh đạo của SLNA và Đà Nẵng cũng bị cuốn theo câu chuyện Ngọc Hải phải đền tiền và đền thế nào, mà vô tình quên đi trách nhiệm với cầu thủ của đội mình, những người lao động trực tiếp mà họ sở hữu. 

VĐV cũng như người lao động

Cách đây ít ngày, khi trả lời về chế độ cho VĐV ở Việt Nam trên Báo An ninh Thủ đô, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cũng đã nhấn mạnh: “Thể thao cũng như nhiều ngành nghề khác trong xã hội, VĐV cũng như người lao động. Đơn vị nào sở hữu và sử dụng lao động phải có chế độ theo đúng luật với người lao động đó, từ tiền ăn, tiền công, tiền thưởng, khám chữa bệnh, điều trị chấn thương…”.

Bóng đá là một môn thể thao tập thể và có tính đối kháng, va chạm rất cao. Chấn thương là việc không thể tránh khỏi. Ngay cả những giải bóng đá hàng đầu thế giới như ở Anh, Tây Ban Nha hay Đức… những chấn thương nặng cũng thường xuyên xảy ra và việc mua bảo hiểm cho cầu thủ gần như là chuyện bắt buộc. Real Madrid từng chi tới 103 triệu euro để mua bảo hiểm cho đôi chân của Cristiano Ronaldo. Trong khi đó, con số bảo hiểm “đôi chân vàng” của Lionel Messi từ nay  đến khi giải nghệ còn khủng khiếp hơn: 550 triệu euro.

Tất nhiên so sánh là khập khiễng nhưng nhiều CLB ở Việt Nam, vốn có vài chục tỷ đồng/năm để duy trì hoạt động của CLB, có thể chi hàng tỷ đồng cho những vụ chuyển nhượng lại không hề quan tâm đến khối “tài sản” mà họ đang sở hữu, là những ngôi sao của mình. Nhiều người thắc mắc vì sao khi bị Thanh Hào gây chấn thương, Abass lại vẫn tươi cười và không trách đối thủ. Đơn giản vì Abass là một cầu thủ rất chuyên nghiệp, anh xác định chấn thương là một phần của bóng đá và quan trọng hơn, Abass đã được Bình Dương mua bảo hiểm.

Vì thế, câu chuyện đó cũng khép lại nhẹ nhõm với cả Bình Dương và HN T&T, chứ không lê thê và lằng nhằng như câu chuyện Quế Ngọc Hải và Anh Khoa, người không được Đà Nẵng mua bảo hiểm. Bước vào mùa giải 2016 tới đây, số tiền hỗ trợ các câu lạc bộ sẽ được nâng lên 22,8 tỷ đồng, tăng 49,12% so với mùa 2015. Điều này giúp VPF và VFF có thể dễ dàng phối hợp với các CLB hơn trong việc mua bảo hiểm cho các cầu thủ. Đó là một bước ngoặt đến muộn còn hơn là không.