"Bạo hành" học sinh: Nguyên nhân khách quan hay đạo đức nghề nghiệp?

ANTD.VN - Sự việc cô giáo đánh bầm tím chân học sinh lớp 2 trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, TP Hà Nội khiến nhiều người thắc mắc nguyên nhân dẫn tới sự việc khi xảy ra tại một trường học giữa Thủ đô với một giáo viên kinh nghiệm lâu năm.

Nhiều cách giải thích được đưa ra cho hành động “bạo hành” của cô giáo L.T.V, chủ nhiệm lớp 2A trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương khi cô giáo này được nhà trường đánh giá là một giáo viên lâu năm, luôn tích cực, năng nổ trong các hoạt động của trường. Nhiều người thiên về nguyên nhân tâm lý, do cô giáo gặp khó khăn, áp lực công việc cá nhân nhưng cũng không ít người đặt vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, vốn là cái gốc để lý giải mọi hành xử của một nhà giáo.

"Bạo hành" học sinh: Nguyên nhân khách quan hay đạo đức nghề nghiệp? ảnh 1Chân học sinh lớp 2, trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, TP Hà Nội bị cô giáo đánh bầm tím

Không nên đổ lỗi vì bất cứ nguyên nhân gì 

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhận định, hành vi bạo lực trong trường học là không thể chấp nhận dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân gì. Hành động “bạo hành” với học sinh càng không thể xảy ra ở một trường học ở Hà Nội, nơi có đầy đủ mọi thông tin về quyền và trách nhiệm của giáo viên đối với học sinh cũng như là những cơ sở giáo dục được đầu tư tốt nhất về điều kiện giảng dạy để hướng tới chất lượng toàn diện. “Giáo viên có thể gặp tâm lý, áp lực công việc gia đình, nhà trường nhưng hoàn toàn không thể coi đó là nguyên nhân giải thích cho việc đánh học sinh. Đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Một giáo viên lâu năm hay mới vào nghề đều phải hiểu rõ công việc đặc thù của mình và luôn phải đảm bảo giữ vững đạo đức nghề nghiệp”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Theo bà  Phạm Minh Thảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, cô L.T.V là một giáo viên lâu năm, luôn tích cực, năng nổ trong các hoạt động của trường. Trong quá trình công tác, cô giáo L.T.V chưa có sai phạm gì. Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc, bản thân cô L.T.V cũng bày tỏ sự băn khoăn, không hiểu tại sao bản thân lại có hành động như vậy và cho biết rất ân hận về hành động này. Theo báo cáo giải trình của cô giáo L.T.V, chủ nhiệm lớp 2A, lý do cô dùng thước đánh nhiều học sinh là do các em vào lớp muộn sau giờ ra chơi.

Được biết, ngày 11-9, các học sinh có liên quan đã đến trường học tập đầy đủ, đúng giờ, tinh thần và sức khỏe ổn định. Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương Phạm Minh Thảo cho biết, Ban Giám hiệu đã gặp gỡ 100% phụ huynh lớp 2A để trao đổi xung quanh vụ việc, đồng thời ổn định tâm lý của phụ huynh, mong muốn sự chia sẻ, cảm thông của các phụ huynh học sinh. Nhà trường cũng đã phân công giáo viên khác thay thế cô giáo L.T.V để phụ trách lớp 2A. 

Rút kinh nghiệm thế nào để không tái diễn bạo hành?

Ngày 11-9, UBND quận Ba Đình đã tổ chức cuộc họp khẩn về sự việc cô giáo dùng thước kẻ đánh học sinh tại lớp 2A, trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình. Tất cả 49 Hiệu trưởng trường mầm non, Tiểu học, THCS quận Ba Đình phải họp khẩn để rút kinh nghiệm về vụ cô giáo trường Nguyễn Tri Phương dùng thước kẻ đánh học sinh. Theo ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Ba Đình, mục đích chính của cuộc họp nhằm thông báo cụ thể về sự việc xảy ra tại trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, từ đó rút kinh nghiệm trong toàn ngành. 

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND quận Ba Đình đã quán triệt yêu cầu tới tất cả Hiệu trưởng các trường trên địa bàn tăng cường phổ biến, nhắc nhở đội ngũ giáo viên chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định chung của ngành, tuyệt đối không vi phạm các nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp. Thực tế, nhiều vụ việc bạo hành học sinh đã xảy ra tại Hà Nội cũng như một số địa phương cả nước trong thời gian gần đây dẫn tới phản ứng tiêu cực từ dư luận đối với hình ảnh người thầy. Đây đều là những bài học đáng để giáo viên rút kinh nghiệm để bản thân không lặp lại. 

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, ở đây có vai trò, trách nhiệm của Ban giám hiệu các trường khi không sâu sát tâm lý, năng lực sư phạm của giáo viên trong trường. “Vấn đề đạo đức nghề nghiệp phải được liên tục nhắc đi nhắc lại, các giáo viên phải ký cam kết mỗi năm học về việc không sử dụng bạo lực đối với học sinh. Không thể nói đây là việc biết rồi, nói mãi vì rõ ràng là với giáo viên lâu năm vẫn còn phạm sai lầm như vậy. Ngoài ra, các trường cần quan tâm tới vấn đề tâm lý nghề nghiệp, góp phần định hướng, giải tỏa cho giáo viên trong các buổi họp giao ban, trao đổi kinh nghiệm về các tình huống sư phạm. Việc bố trí giám thị nhà trường, bao quát tình hình học tập, giảng dạy, theo sát các diễn biến trong trường học của cả thầy và trò cũng góp phần ngăn ngừa tốt hơn các hiện tượng bạo lực học đường”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Được biết, cô giáo L.T.V sẽ nghỉ chế độ vào tháng 11-2017. Hiện tại, cô vẫn đang bị tạm đình chỉ giảng dạy. Phòng GD-ĐT đã yêu cầu trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét, xác minh sự việc, đề xuất hình thức xử lý kỷ luật, báo cáo Phòng GD-ĐT để báo cáo UBND TP Hà Nội. Kết quả xử lý sự việc sẽ được công bố trước ngày 15-9-2017. 

“Giáo viên có thể gặp tâm lý, áp lực công việc gia đình, nhà trường nhưng hoàn toàn không thể coi đó là nguyên nhân giải thích cho việc đánh học sinh. Đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp”.

TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội)