Bao giờ lương đủ sống?

ANTĐ - Chính sách tiền lương luôn là vấn đề “nóng” trong suốt 20 năm qua, cơ chế tạo nguồn lực tài chính cho hệ thống tiền lương vẫn không có gì thay đổi, có chăng chỉ là thêm phần “chắp vá”. Mức lương tối thiểu hiện nay chỉ bảo đảm bù trượt giá là chính. Mức tăng để bảo đảm tiền lương đủ sống, phù hợp với giá trị lao động còn quá xa vời. Đó là nhận định của một số chuyên gia tại cuộc hội thảo “Đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương cán bộ, công viên chức” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức.

Có một cụm từ mới xuất hiện khi bàn về vấn đề tiền lương hiện nay: hội chứng “tước đoạt để bù đắp”. Hiểu nôm na là, lương không đủ sống nhưng thu nhập ngoài lương lại cao, ngân sách chi lương lớn do đội ngũ biên chế tăng, dẫn đến tình trạng tước đoạt để bù đắp lương trong thực thi công vụ như nhũng nhiễu, tiêu cực, can thiệp tài chính vào thị trường của một số nhóm lợi ích để đòi chia sẻ quyền lợi. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị lao động, một loại lao động đặc biệt - lao động quyền lực.

Hệ quả là, các giá trị xã hội của người công chức giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị “tổn thương” bởi hành vi quan liêu, đút lót, hối lộ. Không đủ sống bằng lương, một bộ phận công chức lợi dụng vị trí quan hệ công tác để thu lợi cá nhân. Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh, tiền lương của cán bộ công chức do nhà nước bảo đảm nhưng phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương thu nhập của khu vực thị trường. Nếu không thỏa mãn quan hệ này, sẽ dẫn đến hội chứng “tước đoạt để bù đắp” tiền lương. Một nhóm công chức có trình độ khá không chấp nhận hoặc không thể nhũng nhiễu, tiêu cực thì chuyển sang khu vực thị trường, nơi có tiền lương và thu nhập cao hơn. Trong khi tinh giản biên chế được xem là một cách để tạo nguồn cho cải cách tiền lương cũng chỉ dừng lại ở “khẩu hiệu”.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp dẫn ra một bằng chứng cho thấy càng kêu gọi tinh giản thì biên chế càng tăng. Khi đưa ra đề án tin học hóa cơ quan nhà nước được kỳ vọng là tiết kiệm kinh phí, nâng cao hiệu quả của đội ngũ cán bộ. Song thực tế thì ngược lại, càng đưa tin học vào lại càng “phình” biên chế. Như vậy, nhà nước thua lỗ gấp đôi vì biên chế “nở” ra và chi phí cho tin học tăng. Biên chế hiện nay khoảng 4 vạn người, nếu giảm được 1/3 đã là rất tốt rồi. Một tiến sĩ, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính - Ngân sách (Bộ Tài chính) đề xuất cần thực hiện “tiền tệ hóa” tiền lương và chuyển từ thu phí sang thu theo giá dịch vụ như chế độ về nhà ở và ô tô cho cán bộ công chức. Có một điểm mới trong đề án lương tối thiểu của Chính phủ là tách lương thành 4 lĩnh vực; hành chính, an ninh quốc phòng, sự nghiệp, an sinh xã hội. Một chuyên gia dự báo kinh tế - xã hội cho rằng, khó cải cách tiền lương theo đúng nghĩa vì hiệu quả nền kinh tế thấp so với lương là cao nhưng so với mức sống lại là thấp. Tuy nhiên, vẫn có nghịch lý là lương cán bộ thì thấp nhưng thu nhập lại rất cao.

 Để cán bộ sống được bằng lương, điều quan trọng nhất là phải tổng rà soát, cơ cấu lại bộ máy. Xây dựng cơ cấu công chức từ cấp huyện tới các cơ quan trung ương. Trên cơ sơ đó đổi mới cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm theo thi tuyển cạnh tranh. Lương trả cao, trả đúng cho từng vị trí công sức sẽ nâng cao trách nhiệm và tính kỷ luật . Chỉ có cơ cấu lại đội ngũ thì mới tháo gỡ được “nút thắt” tài chính. Lương không chỉ đủ sống mà còn sống tốt, sống “sạch”.