Bao giờ chân con sẽ mọc ra hả mẹ?

ANTĐ - Có lần em đã hỏi mẹ: “Bao giờ chân con mọc ra hả mẹ?”. Câu hỏi ngây thơ của cậu bé khiến cho người mẹ như thắt rừng khúc ruột. Bao đêm bà ôm con trong lòng day dứt mà chưa nghĩ ra câu trả lời. Rồi bà cũng quả quyết nói với con sự thật mà bà nghĩ rằng chỉ khi đối diện sự thật đó thì con trai bà mới có nghị lực để đứng lên. Bà đã nói: “Con không có chân và sẽ mãi mãi không có, nhưng con còn đôi tay, đôi mắt. Phải cố học thật giỏi để con có thể đứng lên được như những người có đầy đủ đôi chân”.

Nỗi đau hai thế hệ

Cậu bé không có chân đó là Lê Văn Chiến - chàng sinh viên đang theo học khoa Kế toán trường Đại học Đại Nam. Chiến bị khuyết tật đôi bàn chân vì di chứng chất độc da cam từ nhỏ nhưng đã thi đỗ đại học và vừa dành giải Nhì cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin quốc tế” tại Hàn Quốc. Nhìn chàng trai vững vàng trên đôi chân giả, nụ cười tươi thường trực trên môi ít ai biết Chiến đã phải trải qua một tuổi thơ đầy những mặc cảm chỉ vì em… không có chân. 

Trở về từ chiến trường Lộc Ninh (Biên Hòa ngày nay) đầy khói lửa khốc liệt, ông Lê Văn Trình (SN 1957, bố của Chiến) không biết rằng, ngoài ký ức hào hùng về những chiến công oanh liệt của người lính tăng thiết giáp, trong ông còn là di chứng chất độc da cam (dioxin) mà giặc Mỹ năm xưa đã rải xuống. Nhưng nỗi đau dioxin đâu phải mình ông chịu, vào cái đêm đêm đứa con đầu lòng của ông ra đời trên tay bà đỡ ngay tại nhà, ông Trình đã lặng đi khi hình hài đứa con không có chân. Còn vợ ông thì không cần nói, ai cũng có thể hiểu được nỗi đau đớn của người mẹ khi phải nhìn đứa con mình chờ đợi tháng ngày mang nặng đẻ đau là một đứa con không lành lặn.

Sau đêm sinh nở ấy, đã có không ít lời ra tiếng vào: ông trưởng họ Lê có đứa con “dị dạng”; vợ chồng ông sinh ra “quái vật”. Nhưng hai vợ chồng ông vẫn quyết định giữ lại giọt máu của mình. Ông đã đặt tên cho cậu con trai khuyết tật là Chiến với mong muốn em sẽ luôn có tình thần vươn lên, chiến đấu với số phận. Đến bây giờ khi nhắc lại câu chuyện cũ, ông vẫn đầy niềm tự hào về đứa con của mình và tự tin vào quyết định năm xưa: “Con cái trưởng thành. Nhà có đủ cả nếp lẫn tẻ rồi. Đến bây giờ tôi vẫn cho rằng hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng chúng tôi chính là quyết định giữ lại Chiến”.

Bắt đầu ước mơ từ đoạn đường… 500m

Câu chuyện đi bằng đôi chân tật nguyền của Chiến đã thấm đầy những giọt nước mắt đắng lòng của cả gia đình. Người lớn thì nhìn Chiến bằng đòi mắt dò xét, còn lũ trẻ thì cũng không muốn chơi với một đứa không chân. Nhiều lúc nhìn bạn bè chơi nhảy dây, lò cò, đánh quay, đánh đáo Chiến vô cùng tủi thân. Nhìn con, thương lắm nhưng ông bà vẫn quyết: “Nó không chơi được như bạn thì phải cố mà học cho bằng bạn”. Bà Quế kể lại: “Thấy tôi đăng ký cho cháu đi học ai cũng bảo, thế có cõng con đi học cả đời được không? Cháu nó không được như người bình thường nhưng gia đình vẫn quyết cho cháu ăn học đầy đủ. Để Chiến không cảm thấy mặc cảm”. Và cứ như thế đằng đẵng là những tháng ngày, hai vợ chồng bà thay nhau cõng con đi học rồi cõng về.

 Rồi có một hôm, bà và ông vướng bận việc đồng áng nên đến trường muộn. Trời sập tối, hai ông bà mới tất tả đến trường đón con thì chỉ thấy trường học vắng tanh, không còn ai ở đây. Đoạn đường từ trường về nhà chỉ chưa đến nửa cây số nhưng hai ông bà tìm khắp nơi không thấy con đâu. Về đến nhà, thấy con lấm lem bùn đất, hai tay, miệng sưng tấy vì vừa bò, vừa phải dùng miệng ngậm cặp theo. Hai ông bà lặng người nhìn con vừa mừng vừa giận. Nhưng đó cũng là lúc, ông bà nhận ra nghị lực của cậu con trai vốn quen đến trường trên đôi chân của bố mẹ. Từ hôm đó, Chiến đều tự mình đến trường bằng đôi tay của mình. 2 năm đầu tiên đi học trôi rất nhanh, mọi người đã bắt đầu quen với hình ảnh một cậu bé không chân, miệng ngậm cặp sách lết đến trường. Nhưng rồi khi mặc cảm của con thành mặc cảm của bố mẹ, bài vở cô giáo giao về Chiến vẫn được điểm 10, nhưng rất nhiều chỗ sai. Vẫn biết cô thương trò. Nhưng ông Trình hiểu rằng “Con mình đang bị thương hại!”

Bố mẹ không bỏ con

Năm Chiến lên 8 tuổi, ông bà quyết định xin cho con đi học tại Làng Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội). Bà Quế nhớ lại: “Ngày ấy, thấy con đi học không hề nhận được kiến thức, bài tập giải sai cũng được điểm 10, tôi quyết định cho cháu lên Hà Nội học ở Làng Hòa Bình - nơi dạy những trẻ em khuyết tật. Tôi muốn con được như mọi người, được thu nạp kiến thức chứ không phải là sự thương hại”. Ngày tiễn hai bố con từ Hiệp Hòa - Bắc Giang ra Hà Nội, bà không dám đưa đến tận bến phà Đông Xuyên trên dòng sông Cầu. Bà sợ không đành lòng xa đứa con bé bỏng tàn tật. Tuần thứ hai bà ra với con, đêm đêm thức trắng quạt cho con mà nước mắt bà cứ lăn dài. Tối hôm bà về, Chiến ôm chặt lấy bà không rời, đôi mắt đỏ hoe gào khóc: “Mẹ ơi, sao lại bỏ con”. Bà nghẹn ngào: “Con không có hai chân, nhưng mẹ tin con đã có thể tự “đứng” vững trên cuộc đời này!”. Bà Quế vẫn nhớ như in khi để lại cậu con trai bé bỏng gào thét trong vòng tay của bác bảo vệ mà càng guồng chân chạy nhanh hơn. Chỉ đến khi khuất sau cổng trường bà mới ôm mặt khóc thương con. Bởi bà hiểu rằng, nếu để tình cảm thắng lý trí thì con bà sẽ mãi chỉ là cậu bé không chân xin sự thương hại của mọi người. Câu chuyện giờ được ông bà kể lại như trả lời câu hỏi của cậu con trai lúc chia tay tại Làng Hòa Bình năm xưa: “Bố mẹ không bỏ con, nhưng đó là cách tốt nhất để con có thể trưởng thành”.

Có thể em đã chưa từng tồn tại

Không phụ công bố mẹ, cậu bé khuyết tật vốn chỉ quen nhận những điểm 10 thương hại của thầy cô ở quê nhanh chóng làm quen với môi trường mới. Năm 1999, khi tới thăm Làng trẻ Hoà Bình, các thành viên trong một tổ chức phi Chính phủ xúc động trước hoàn cảnh một cậu bé có gương mặt thông minh lại phải ngồi xe lăn nên quyết định giúp Chiến có được đôi chân giả. Thoát cảnh ngồi xe lăn, sức học của Chiến tiến bộ trông thấy. Chiến được nhận vào Trường THCS Phan Đình Giót, gần Làng trẻ Hoà Bình. Tuy không mất tiền học, nhưng mỗi tháng ông bà Trình đã phải chi cả triệu đồng để thuê “xe ôm” đưa đón Chiến. Đây là một khoản tiền rất lớn đối với một gia đình thuộc diện khó khăn như ông. Không phụ công cha mẹ, Chiến lập nên kỳ tích đầu tiên trên con đường học tập: tốt nghiệp PTTH. Em lại tiếp tục gây bất ngờ cho gia đình khi quyết tâm thi đại học: “Nếu con không học tiếp để có một nghề thì sau này vẫn trở thành người ăn bám”. Kỳ thi năm 2011, Chiến đã “xô đổ kỷ lục” của chính mình khi trở thành người đầu tiên của Làng trẻ Hòa Bình đỗ đại học.

Không những thế em còn khẳng định bản thân bằng giải Nhì cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin quốc tế” với phần thiết kế và trình chiếu Powerpoint tại Hàn Quốc. Tương lai giờ đã rộng mở với chàng trai không chân năm nào. Em tâm sự: “Em muốn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về công nghệ thông tin để khi ra trường có thể tự kiếm sống nuôi bản thân. Và sau này là giúp đỡ bố mẹ em. Nếu bố mẹ không dũng cảm và tiếp cho em nghị lực, có thể em sẽ chưa từng tồn tại hoặc chỉ là một gánh nặng”. 

Với một người có nghị lực như em, ước mơ sẽ không còn là quá xa!