Bão giật cấp 14-15 đang hướng vào miền Trung

ANTĐ - Di chuyển nhanh hơn dự kiến, vào đêm ngày 11-10, bão Nari đã vượt qua đảo Luzon của Philippines vào biển Đông, trở thành cơn bão số 11, với sức gió giật cấp 14-15, bão Nari đang tiến vào các tỉnh miền Trung.

Trong ngày hôm nay 12-10, bão số 11 di chuyển với vận tốc rất nhanh, từ 15-20km/h. Đến 16h cùng ngày, bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, bão số 11 khi tiến sát quần đảo Hoàng Sa và đất liền còn tiếp tục mạnh lên, đạt cấp 13-14, giật cấp 16-17, thậm chí mạnh hơn cả cơn bão số 10 vừa qua.

Trong khi đó, đến nay, khu vực bão đổ bộ vẫn chưa xác định được cụ thể, các tỉnh nằm trong diện dự báo trải dài từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh. Ông Tăng cho hay, hiện các đài dự báo cũng đưa ra những nhận định rất khác nhau. Trung tâm DKTTV Trung ương cho rằng, vùng bão đổ bộ khoảng vào Đà Nẵng, đài Khí tượng Mỹ lại cho rằng vào khu vực dưới TP Đà Nẵng, còn đài khí tượng Nhật Bản lại dự báo bão đi vào khu vực Đèo Ngang- Hà Tĩnh.

“Các mô hình cho thấy, khoảng 50-60% bão số 11 đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng. Thời gian bão đổ bộ sớm nhất từ tối đến đêm ngày 14-10. Vì vậy, mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước 17-18h ngày 14-10. Nếu bão đổ bộ theo phương án này thì kèm theo gió rất mạnh và gây mưa rộng ra vùng phía Bắc”, ông Tăng dự báo.

Một phương án nữa là khi chạm bờ, bão số 11 sẽ trườn dọc theo các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Nghệ An, phương án này chiếm khoảng 30-40%. Như vậy, dọc các tỉnh miền Trung sẽ bị bão quét qua. Tuy nhiên, nếu theo phương án này thì khoảng ngày 16 thậm chí 17-10, bão mới đổ bộ vào đất liền. Ngoài ra, cần đề phòng không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống vào ngày 14-10, toàn khu vực Vịnh Bắc bộ sẽ có gió từ cấp 6-7.

50-60% bão Nari được dự báo sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng

Hiện ngoài khơi Philippines cũng đang có bão hoạt động, có tên quốc tế là Wipha. Bão đang ở cấp 10, 11. Tuy nhiên, theo ông Tăng, trong vài ngày tới, bão Wipha cũng sẽ nhanh chóng đạt cấp 13-14. Cơn bão này theo dự báo sẽ đi về phía Nhật Bản.

Báo cáo từ BCĐ PCLB Trung ương cho thấy, hiện các hồ chứa vừa và lớn các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Bình định đang vận hành bình thường, dung tích phổ biến từ 60-80% thiết kế; các hồ từ Quảng Nam đến Bình Định đang tích ở mực nước thấp từ 30-50%. Hiện có 5/44 hồ chứa đã đầy và qua tràn. Có 28 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, cần đặc biệt quan tâm khi mưa lớn xuất hiện.  Hiện có 17/25 hồ thủy điện lớn gần đầy và xả tràn, với lưu lượng trên 200m3/s như Yaly, Sê San 3, Sê San 4, Ba Hạ…

Mưa do bão số 11 được dự báo sẽ mở rộng lên phía Bắc, từ Quảng Nam trở ra có mưa rất to, thậm chí đến tận khu vực Nghệ An, Thanh Hóa. Mưa có thể kéo dài đến cuối tuần  sau.

Vùng đổ bộ của bão số 11 tương tự bão số 10, trong khi cơ sở hạ tầng còn chưa kịp khắc phục. Đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam cho hay, lưới điện ở Quảng Bình phải đến ngày 15-10 mới khắc phục xong. Trong khi đó, đây tiếp tục là vùng ảnh hưởng của tâm bão.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ PCLB Trung ương Cao Đức Phát lưu ý đến vấn đề giao thông trên đường bộ, thông tin liên lạc trong vùng bão. “Trong cơn bão số 10, tôi với tư cách là Trưởng BCĐ PCLB Trung ương đã cho cấm xe lưu thông trên QL1 nhưng phần lớn chỉ xe tải chấp hành, xe khách  vẫn chạy bất cấp lệnh cấm. Còn thông tin liên lạc thì chập chờn, tôi gọi điện cho Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Quảng Bình mà 3 tiếng sau mới có mặt. Tôi đã đề nghị UBND tỉnh kiểm điểm vị Giám đốc Sở này”, ông Phát nêu thực trạng.

Hai cơn bão kép đang hoạt động trên và gần biển Đông


Về vấn đề xả lũ trên các hồ thủy lợi, thủy điện, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị cần phải kiểm tra, bố trí người canh gác, xử lý ngay các sự cố để tăng độ an toàn cho hồ đập.

Đặc biệt, các địa phương phải phối hợp với chủ hồ lên phương án sơ tán dân trong trường hợp xả lũ gấp. “Cần phải cụ thể, xả với lưu lượng bao nhiêu, khu vực nào dân cư sẽ ngập, ngập với mức độ như thế nào, thông báo cho người dân biết để chủ động. Ngoài ra, cần phòng trường hợp nhiều hồ xả cùng một lúc rất dễ tạo nên vấn đề lớn, đặc biệt tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế”.

Ủy ban Quốc gia TKCN đã huy động hơn 232.000 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ, cùng 1.700 phương tiện trong đó hơn 700 ô tô và 6 máy bay sẵn sàng tham gia ứng cứu, hỗ trợ bão số 11.

Vào lúc 15h chiều 12-10, tàu cá Quảng Ngãi với số hiệu QNg 94257 TS do ông Cao Mẫn làm thuyền trưởng, trên tàu có 11 lao động cùng ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, bị hỏng máy cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 90 hải lý, không khắc phục được đã yêu cầu được giúp đỡ khẩn cấp. Do tàu đang ở quá xa nên tàu cứu hộ, cứu nạn của tỉnh không thể hỗ trợ kịp. Bộ Quốc phòng đã điều tàu Hải quân xuất phát lúc 15h20, dự kiến khoảng 12h đêm nay sẽ tiếp cận được với tàu. Tuy nhiên, trên biển thời tiết lúc này cũng rất xấu, gió cấp 5-6.