"Bão" gây nghiện Tramadol càn quét qua các khu phố nghèo nàn

ANTĐ - “Bây giờ  tôi đã bị phụ thuộc vào 4 hoặc 5 liều tramadol một ngày” - giọng Bakry đầy nuối tiếc. “Thực phẩm, khí đốt, mọi thứ đều rất đắt tiền. Mọi người đang kiệt sức và dùng những thứ như tramadol chỉ để tiếp tục bước tiếp” - Karim el-Bakry nói khi đang lái con xe tuk tuk dọc theo lối đi đầy bụi bẩn và gập ghềnh của huyện Imbaba nghèo nàn thuộc địa phận Thủ đô Cairo.
"Bão" gây nghiện Tramadol càn quét qua các khu phố nghèo nàn ảnh 1

Theo lời Karim el-Bakry, lần đầu tiên cầm viên thuốc Tramadol (Tramadol thuộc nhóm thuốc gọi là thuốc giảm đau opioid. Tuy tramadol không phải là thuốc phiện nhưng nó có thể gây nghiện, đặc biệt là hiệu ứng lên não mạnh hơn cả thuốc phiện), ông đã ném nó đi. “Tôi nghĩ việc này chẳng tốt đẹp chút nào. Bạn bè của tôi đã nói dối khi bảo tôi chỉ thử cho vui thôi” - Barky nói.

 Lần thứ hai, một người đồng nghiệp rủ rê, ông đã gật đầu thử. Khi ấy, ông cảm thấy khá hơn rất nhiều. Sau đó, một lần nữa, các đồng nghiệp lại rủ ông dùng với lý do để thoát khỏi cảm giác nhàm chán khi nhiều giờ đồng hồ lái xe. Rồi lần thứ tư, lần thứ năm… để rồi đến bây giờ ông Barky đã bị phụ thuộc vào 4 hoặc 5 liều tramadol một ngày. Ông bảo, thực phẩm, khí đốt, mọi thứ đều rất đắt tiền. Mọi người đang kiệt sức và dùng những thứ như tramadol chỉ để tiếp tục bước tiếp và ngay bản thân ông cũng đang lạm dụng tramadol, chứ chưa muốn nói là nghiện.

Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số người sử dụng ma túy và chất gây nghiện ở Ai Cập, nhưng qua câu chuyện của Bakry có thể thấy, tramadol đã nổi lên tại Ai Cập trong 4 năm qua. Từ những năm 2010, mức độ phổ biến của các thuốc giảm đau dạng opioid đã vượt heroin và đứng thứ hai chỉ sau cần sa trong số gần 90 triệu người Ai Cập, theo các quan chức y tế.

Không có bí ẩn hoặc tại sao một loại thuốc giảm đau lại được đại bộ phận người lao động nghèo ưa thích hơn các loại ma túy giải trí có thể “gây phê” hơn rất nhiều. Ở đây chỉ có thể giải thích nguyên nhân là do giá của tramadol rẻ hơn ma túy. Khoảng 30-40 EGP (3,8 đến 5,1USD) cho một vỉ 12 viên, 2-3 EGP/1 viên, đó là cái giá “hợp lý” trong bộ phận người nghèo của Cairo, nhất là bộ phận nam thanh niên lao động chân tay. 

Trong bối cảnh nền kinh tế Ai Cập đang gặp không ít rắc rối khiến ngày càng nhiều số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học buộc phải vào lao động thủ công do thiếu việc làm có tay nghề cao, và những người khác bắt buộc phải tăng khối lượng công việc của họ để kiếm sống trong bối cảnh lạm phát cao. Họ tìm đến tramadol như một thức uống tăng lực.

Dù với lý do gì thì thứ thuốc mà người dân lao động nghèo đang xem là giải pháp hữu hiệu ấy cũng giống như rượu hay cần sa. Lạm dụng tramadol có thể dẫn đến một loạt các tác dụng phụ khó chịu, bao gồm tổn thương gan, động kinh và rối loạn tâm thần. Nó thậm chí còn gây nghiện hơn heroin và được cho là nguyên nhân cho việc tăng đáng kể số người nhập viện của 15 bệnh viện tâm thần trên đất nước Ai Cập. 445.000 bệnh nhân được chuyển đến để điều trị trong hệ thống công trong năm ngoái, tăng từ 386.000 bệnh nhân trong năm 2013; 70% người nghiện nhập viện của bệnh viện lớn Qasr el-Aini Cairo được cho là liên quan đến tramadol chỉ tính riêng trong năm 2014, theo số liệu thu được từ báo Al-Masry Al-Youm.

Ai Cập chắc chắn không phải là quốc gia duy nhất trên lục địa châu Phi đang lảo đảo bởi sự xuất hiện của tramadol. Tháng 9 năm ngoái, đất nước nhỏ bé là Benin cũng bắt giữ một lô hàng 160 tấn thứ thuốc này. Nhưng hiện tượng tramadol tại Ai Cập đã xảy ra vào thời điểm mạng lưới y tế suy yếu khi chính phủ đang có rắc rối về chi tiêu công.

“Con trai tôi đã được trả về nhà từ bệnh viện địa phương vì họ nói không có đủ thuốc” - Om Mahmoud, một người hàng xóm của Bakry nói. Mahmoud có đứa con út, anh đang làm một lúc 2 nghề: lái xe taxi và nhân viên phục vụ, việc nghiện tramadol để có thể duy trì những ngày dài làm việc. “Họ chỉ dặn nó cần phải nghỉ ngơi và ăn uống tốt. Một năm sau, tôi đã phải đối mặt với ảo giác và những cơn hoang tưởng” - Mahmoud chua xót.

Faisal Hegazy, cán bộ chương trình tại UNODC ước tính có ít nhất 5 tỷ viên lưu thông khắp Ai Cập vào năm 2012. 90% tramadol bất hợp pháp ở Ai Cập được sản xuất tại Ấn Độ, và hầu hết được giấu trong container nhập qua các cảng lớn ở Alexandria, Port Said và Ain Sukhna. Hiện Tramadol đã bắt đầu lan tràn vào các khu vực giàu có hơn của Cairo. “Thật không tốt khi những người mua tramadol lại có suy nghĩ họ đang không phải mua những thứ đắt tiền hơn” - Maga, một người bán tramadol trên con phố sầm uất ở Bulaq gần trung tâm Cairo, nói.