Báo động tình trạng xô xát, ẩu đả khi va chạm giao thông

ANTD.VN - Hiện nay, văn hóa ứng xử của một số bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông thiếu ý thức khi va chạm đang diễn ra ngày một nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng của các vụ ẩu đả cũng ngày một nghiêm trọng. 

Tối 30-10-2018, một vụ án khá nghiêm trọng đã xảy ra tại phố Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy, Hà Nội), xuất phát từ mâu thuẫn trong va chạm giao thông. Một người đàn ông đi xe loại SUV hiệu Mazda CX5 cho là đã rút súng bắn đạn cao su nã vào lái xe taxi, rồi bỏ trốn.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng công an phường Quan Hoa và Công an quận Cầu Giấy đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tiến hành khám nghiệm, điều tra làm rõ. Hiện đối tượng vẫn đang bị truy nã và cơ quan công an vẫn đang tiếp tục truy tìm đối tượng. Tài xế taxi bị ôtô Mazda CX5 cán qua người, bắn thủng bụng đã qua cơ nguy kịch nhưng sức khỏe vẫn rất yếu.

Chiều 1-11-2018, một vụ va chạm giao thông đã xảy ra tại ngã tư Giảng Võ – Cát Linh (phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội). Bị đánh liên tiếp, lái xe taxi đã chạy ra mở cốp để lấy “đồ”, nhằm đánh trả. Tuy nhiên, tổ công tác Y19/141 kịp thời có mặt, để trấn áp những “cái đầu nóng”, ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra.

Trong vụ va chạm vừa qua ở ngã tư Giảng Võ – Cát Linh, dư luận đã bày tỏ sự thán phục, ủng hộ lực lượng nhiệm vụ vì sự can thiệp kịp thời, quyết liệt. Đặc biệt, đây là buổi làm việc đầu tiên của tổ Y19/141, sau khi CATP Hà Nội triển khai bổ sung 15 tổ công tác 141 trên khắp địa bàn, nhằm tăng cường sức mạnh trấn áp tội phạm.

Tối 5-11-2018, tại khu vực đài phun nước ở Bờ Hồ (Hà Nội), hai thanh niên đã không giữ được bình tĩnh và lao vào cuộc ẩu đả, dù xuất phát điểm chỉ là từ va chạm giao thông rất nhỏ trên đường.

Điều đáng nói, theo nhân chứng tại hiện trường, là nam thanh niên bị cựu VĐV võ Pencak Silat đánh gục lại chính là người cố tình gây sự trước. Sau đó, cảnh sát của CAP Hàng Trống đã yêu cầu những người liên quan về trụ sở để làm việc. Người bị đánh được người nhà đưa vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe.

Khi xảy ra va chạm tai nạn giao thông, thay vì ứng xử với nhau có văn hóa thì một số người lại giải quyết đúng sai theo kiểu “luật rừng”. Nhiều khi xảy ra thương tích, chết người không phải do tai nạn mà bắt nguồn từ những hành vi cãi vã, đánh nhau chỉ vì va quệt nhỏ.

Để từng bước nâng cao ý thức giao thông an toàn, mỗi người cần có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của mình và của những người tham gia giao thông khác, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục rất quan trọng. Trường học là nơi tốt nhất để tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT), nhất là bậc mầm non và tiểu học, coi ATGT là môn học chính thức trong các trường phổ thông. Cùng với tuyên truyền, giáo dục, lực lượng chức năng tiếp tục duy trì, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để răn đe và công bằng với tất cả mọi người, tránh hiện tượng “nhờn luật”. Qua đó, dần tạo nên ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người.