Báo động tình trạng trộm công sở: Đặc trị bằng nâng cao cảnh giác

ANTĐ - Nhiều phương án đấu tranh, phòng ngừa hoạt động của tội phạm đột nhập cơ quan, công sở đã được Phòng CSHS - CATP Hà Nội và công an các quận, huyện triển khai có hiệu quả. Nhiều ổ nhóm tội phạm chuyên bẻ khóa, đột nhập công sở để trộm cắp tài sản đã sa lưới pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động của loại tội phạm này trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn phức tạp, gây ảnh hưởng tới tình hình ANTT.

CAQ Hà Đông hướng dẫn bảo vệ công sở những phương pháp bảo vệ mục tiêu

Vẫn còn lơi lỏng

Phân tích phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm đột nhập công sở trộm tài sản, Trung tá Trần Quốc Hùng, Đội trưởng Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho rằng, đa số các vụ án xảy ra đều có yếu tố mất cảnh giác của phía bị hại, và tội phạm đã lợi dụng triệt để yếu tố này trong quá trình gây án. Có những vụ trộm, bọn tội phạm phá cửa, đột nhập phòng làm việc của cán bộ cao cấp và khoắng sạch tiền, tài sản để trong két sắt, nhưng bảo vệ cơ quan không biết bởi nơi làm việc và khu vực bảo vệ ứng trực được phân thành từng khu riêng biệt, không có những thiết bị hỗ trợ phát hiện kẻ gian đột nhập vào công sở như camera giám sát an ninh, còi, hoặc đèn báo động chống trộm.

Sau khi vụ trộm xảy ra, phía bị hại đề nghị cơ quan công an điều tra, truy tìm thủ phạm và khi đó những “điểm yếu” trong công tác bảo vệ, phòng ngừa tội phạm được giải thích bằng các lý do tiết kiệm kinh phí, chưa thể trang bị được thiết bị bảo vệ, hay có nơi còn sử dụng cả những người già, đã hết tuổi lao động làm bảo vệ, nên không thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Thậm chí, có đơn vị không tuyển thêm nhân sự cho đội ngũ bảo vệ chuyên trách, mà sử dụng lao động tại chỗ thay phiên nhau thực hiện công tác bảo vệ. Do không có kinh nghiệm chuyên môn của công tác bảo vệ, “lực lượng bán chuyên” này đã không thể làm tròn trách nhiệm và để tội phạm lợi dụng hoạt động trộm cắp tài sản.

Nhiều nguyên nhân khác cũng dẫn đến tình trạng trộm “ghé thăm” công sở và cũng xuất phát từ ý thức chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, nhân viên các cơ quan, trường học, chưa coi trụ sở cơ quan là ngôi nhà chung của mình và cần phải bảo vệ nó khỏi sự xâm phạm của tội phạm. “Trong quá trình điều tra, Phòng CSHS - CATP đã tìm hiểu tại một số cơ quan để xảy ra tình trạng trộm đột nhập công sở và phát hiện trước khi ra về, cán bộ nhân viên một số nơi rất thiếu ý thức cảnh giác, không đóng cửa sổ, cửa ra vào, đặc biệt là những cửa thông tầng, cửa ra ban công các tầng… Đây là một trong những điều kiện thuận lợi, để tội phạm dễ dàng đột nhập các cơ quan, công sở thực hiện hành vi phạm tội” - Trung tá Trần Quốc Hùng chia sẻ và cho rằng chỉ có nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, mới đấu tranh và phòng ngừa hiệu quả đối với hoạt động của tội phạm trộm đột nhập công sở.

Phải chấn chỉnh ngay

Trước hoạt động phức tạp của tội phạm trộm đột nhập công sở, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và một trong những biện pháp quan trọng là tuần tra mật phục tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Cuối năm 2013, lực lượng Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS - CATP phối hợp với công an các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Đông… phát hiện và bắt giữ nhiều ổ nhóm chuyên phá khóa cửa, đột nhập cơ quan, công sở, nhà dân để trộm cắp tài sản. Các đối tượng ở độ tuổi từ 22 - 35, đều ở tỉnh ngoài gây án lưu động trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, có những ổ nhóm tội phạm là người ở cùng một thôn, xã… đã liên kết với nhau gây ra hàng chục vụ trộm với thủ đoạn tương tự trên địa bàn Hà Nội.

Theo Thượng tá Hà Hùng, Phó trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội, cùng với công tác tuần tra mật phục và điều tra truy xét làm rõ thủ phạm các vụ trộm đêm nhằm vào các cơ quan, công sở, Phòng CSHS đã ra nhiều thông báo phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng ngừa, phát hiện hoạt động của tội phạm gửi tới các cơ quan, đơn vị. Nhiều nơi, cán bộ công an đã đến từng cơ quan, đơn vị nhắc nhở và hướng dẫn bảo vệ thực hiện các biện pháp phát hiện kẻ gian xâm nhập. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân chủ quan, tình trạng trộm cắp tài sản tại các công sở vẫn diễn biến phức tạp.

Giải pháp phòng chống tội phạm đột nhập công sở được Thượng tá Hà Hùng đưa ra là, đối với các cơ quan, trụ sở ủy ban và trường học, lực lượng bảo vệ cần tăng cường tuần tra vào ban đêm, chú ý những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, tết. Phòng thủ quỹ, kế toán không nên để số lượng tiền lớn trong két qua đêm. Các cơ quan, công sở, trường học phải gia cố cổng, cửa và lắp đặt các thiết bị cảnh giới, báo động để kịp thời phát hiện đối tượng gây án. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn, phải tìm mọi cách báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời có phương án giải quyết. “Công tác bảo vệ, phòng ngừa trộm cắp công sở phải được các đơn vị thường xuyên quan tâm và mỗi nơi nên có cán bộ chuyên trách để theo dõi, đôn đốc vấn đề này.

Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ bảo vệ và có quy trình chặt chẽ trong việc thực hiện công tác bảo vệ, sớm phát hiện sơ hở  trong phòng ngừa và chấn chỉnh ngay. Mặt khác, lãnh đạo các cơ quan, công sở cần nâng cao ý thức cảnh giác cho mỗi cán bộ, nhân viên và phải coi tài sản của cơ quan cũng là tài sản của mình, thì công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trộm công sở mới đạt hiệu quả cao” - Thượng tá Hà Hùng chia sẻ.