Báo động tình trạng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh

ANTD.VN - Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, số phụ nữ bị trầm cảm sau sinh ở nước ta đang ngày càng gia tăng, hậu quả cũng ngày càng trầm trọng hơn.

Vụ việc một phụ nữ trẻ ở Thạch Thất (Hà Nội) nghi đã sát hại chính con ruột mới 33 ngày tuổi gần đây là hồi chuông cảnh báo mạnh về tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Trên thực tế, những vụ việc như thế không phải quá hiếm và rất cần những giải pháp can thiệp phù hợp. 

Báo động tình trạng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân trầm cảm tại Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương

Gia tăng trầm cảm sau sinh

Thống kê trên thế giới cho thấy, khoảng 10% phụ nữ mang thai và 13% phụ nữ vừa mới sinh có triệu chứng rối loạn tâm thần, chủ yếu là trầm cảm. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này còn cao hơn, tương ứng với 15,6% trong thời kỳ mang thai và 19,8% sau khy sinh con. 

Thống kê từ một bệnh viện tư chuyên khoa về phụ sản ở Hà Nội cho thấy, có tới 60%-70% phụ nữ sau sinh bị trầm cảm ở mức độ nhẹ. Đó là chưa kể rất nhiều phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh nhưng cố gắng che giấu, chỉ đến khi phát bệnh mới được đưa đi viện chẩn đoán và can thiệp.

Theo TS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, khác với các dạng trầm cảm thông thường, trầm cảm sau sinh thường cấp tính, bệnh nhân đang từ nhẹ chuyển sang nặng rất nhanh. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tình trạng buồn, chán nản, bi quan, giảm hứng thú trong chăm sóc mình, chăm sóc con hay chia sẻ thông tin; Nặng hơn dễ dẫn đến bực tức, cáu giận, thay đổi lối nghĩ, cách nghĩ, thường nhận lỗi về mình; thậm chí loạn thần... Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến sản phụ, đứa trẻ, gia đình mà còn ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ, khiến đứa trẻ dễ gặp các vấn đề về rối loạn hành vi, chậm phát triển về tâm thần, trí lực. 

TS. Dương Minh Tâm phân tích, trầm cảm sau sinh có nhiều nguyên nhân như biến đổi về mặt sinh học, về hình thức của người phụ nữ sau sinh, nhất là các vấn đề tâm lý xã hội như áp lực khi mang thai, sinh đẻ, hiểu biết, mối tương tác với người xung quanh… dẫn đến stress. Đồng quan điểm, PGS.TS Lưu Thị Hồng, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cho biết, người phụ nữ trong quá trình từ mang thai đến sau khy sinh gặp rất nhiều áp lực, phải đối mặt với nhiều lo lắng nên dễ nảy sinh nhiều ý nghĩ tiêu cực. “Khy sinh con,  người phụ nữ phải ở nhà trông con, đôi khi chịu sự cô đơn, ấm ức, không có sự chia sẻ có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh”, PGS.TS Lưu Thị Hồng nói.

Bệnh dễ chữa và có thể khỏi hoàn toàn

TS. Dương Minh Tâm cho biết, trầm cảm sau sinh là bệnh dễ chữa và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Cụ thể, nếu bệnh nhân bị trầm cảm mức độ nặng thì phải dùng nhiều phương pháp như vừa dùng thuốc, dùng các phương pháp tâm lý và một số biện pháp hỗ trợ khác. Còn nếu bệnh được phát hiện sớm, các triệu chứng còn nhẹ có khi chỉ cần dùng liệu pháp tâm lý như nhận thức hành vi, liệu pháp tâm lý gia đình... đã có thể chữa khỏi hoàn toàn. Trong đó, liệu pháp tâm lý gia đình là vô cùng quan trọng đối với phụ nữ sau sinh bởi nếu gia đình quan tâm, chia sẻ, giúp giải quyết được các mâu thuẫn, áp lực cho người phụ nữ sau sinh thì tâm lý, tinh thần người phụ nữ sẽ được cải thiện nhiều. 

“Việc điều trị khỏi bệnh trầm cảm sau sinh sớm hay muộn phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ, nếu người bệnh được chia sẻ, được giải quyết mối lo, thường trong vòng 6 tháng sẽ hết trầm cảm hoàn toàn. Để giảm trầm cảm, chỉ cần 2-3 tháng, cũng có trường hợp được điều trị sẽ nhanh hơn. Ngược lại, những trường hợp phụ nữ sau sinh gặp nhiều mâu thuẫn, không được giải quyết căn nguyên, yếu tố nguy cơ, bệnh sẽ nặng hơn”, TS. Dương Minh Tâm nói.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, trên một số diễn đàn mạng chia sẻ nhiều thông tin về phương pháp tập Yoga chống trầm cảm ở thai phụ và phụ nữ sau sinh. Về điều này, TS Dương Minh Tâm cho biết, tập Yoga trước sinh và sau sinh có tác dụng giúp phòng nhiều bệnh, trong đó có trầm cảm sau sinh. PGS.TS Lưu Thị Hồng cũng cho biết, sau thời gian hậu sản, từ 42 ngày trở đi, nếu người mẹ bố trí được thời gian, vẫn có thể đi tập luyện thể dục thể thao hay tập yoga, bởi tập luyện có thể giúp người mẹ giao lưu, chia sẻ bên ngoài, giải phóng được cảnh “bế quan tỏa cảng” và đầu óc sẽ thoải mái hơn, từ đó giảm được stress, trầm cảm.

“Năm 2016, Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương đã khám, điều trị cho gần 19.000 lượt bệnh nhân trầm cảm. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 36.000-40.000 người tự tử do trầm cảm”.

PGS.TS Nguyễn Doãn Phương (Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương)

“Khy sinh con, người phụ nữ phải ở nhà trông con, đôi khi chịu sự cô đơn, ấm ức, không có sự chia sẻ có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh”.

PGS.TS Lưu Thị Hồng (Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế)

“Việc điều trị khỏi bệnh trầm cảm sau sinh sớm hay muộn phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ, nếu người bệnh được chia sẻ, được giải quyết mối lo, thường trong vòng 6 tháng sẽ hết trầm cảm hoàn toàn”.

TS. Dương Minh Tâm (Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai)