Báo động tình trạng làm giả giấy chuyển tuyến khám bệnh để trục lợi

ANTD.VN - Tình trạng làm giả giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh của các bệnh viện để trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) không phải cá biệt.

Cuối tuần qua, Cơ quan An ninh điều tra - CATP Hà Nội đã khởi tố và ra lệnh tạm giam Trần Thị Thảo (SN 1974, Sơn La) để điều tra làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đáng nói, việc đối tượng này làm giả 9 giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh của Bệnh viện Xanh Pôn và thu phí 3 triệu đồng mỗi bệnh nhân cho thấy, đang có một lỗ hổng lớn trong quản lý lĩnh vực này.

Báo động tình trạng làm giả giấy chuyển tuyến khám bệnh để trục lợi ảnh 19 tờ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh giả có chữ ký của lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn được thu giữ từ đối tượng Trần Thị Thảo

Mua giấy chuyển tuyến khám bệnh giả qua… mạng 

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, bước đầu, cơ quan công an phát hiện Trần Thị Thảo có 9 tờ giấy chuyển tuyến giả mang chữ ký của lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn. Tại cơ quan công an, Trần Thị Thảo thừa nhận do được một số nhân viên bệnh viện nhờ làm giấy chuyển tuyến giả và với mỗi tờ giấy chuyển tuyến giả, Thảo được trả công 200.000 đồng. Những bệnh nhân có nhu cầu sử dụng giấy chuyển tuyến này phải trả phí 3 triệu đồng. Mục đích làm giấy chuyển tuyến giả nhằm giúp bệnh nhân được chuyển tuyến BHYT từ Bệnh viện Xanh Pôn lên Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tuyến Trung ương khác, được hưởng quyền lợi BHYT đúng tuyến giống như các bệnh nhân được bệnh viện cho chuyển tuyến theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này, TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện nhận được thông tin về việc bệnh nhân sử dụng giấy chuyển tuyến khám bệnh BHYT giả từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Song, có một điều khó là hiện công nghệ làm giả giấy tờ rất tinh vi, trong khi trên các giấy chuyển tuyến phần nội dung quan trọng là chữ ký của giám đốc bệnh viện thì thường các bệnh viện vẫn sử dụng chữ ký số nên nếu họ cố tình làm giả cũng không quá khó. Với nghiệp vụ của các bác sĩ, muốn phát hiện ra giấy tờ giả không đơn giản, chỉ trừ những trường hợp giấy chuyển tuyến bị làm giả sơ sài hoặc sai mẫu. 

Phải xử lý nghiêm

Theo TS. Dương Đức Hùng, có lỗ hổng hoặc chưa chặt chẽ trong quản lý trong chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT. Ở đây, trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngành bảo hiểm là rất quan trọng, chẳng hạn phải ứng dụng công nghệ hay làm Thẻ BHYT hiện đại hơn, cập nhật các thông tin đầy đủ và chặt chẽ hơn để bác sĩ dễ dàng đối chiếu… “Các giấy tờ được làm giả rất tinh vi, các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức… cũng chỉ là nạn nhân. Một ngày bệnh viện chúng tôi khám 3.000-4.000 người bệnh và 2/3 trong đó có BHYT nên các bác sĩ không dễ phát hiện ra, chứ tôi nghĩ không bác sĩ nào đi thông đồng với các đối tượng vi phạm pháp luật”, TS. Dương Đức Hùng nói. 

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Đến nay, chúng tôi chưa phát hiện có trường hợp nào sử dụng giấy chuyển tuyến giả nhưng cũng có thể là chưa phát hiện được chứ không dám chắc là không có”.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, việc kiểm soát, giám sát, quản lý chặt các giấy tờ chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT từ tuyến dưới chuyển lên được bệnh viện rất quan tâm. Cụ thể, ở Bệnh viện Nhi Trung ương, việc kiểm soát giấy chuyển tuyến của từng bệnh nhân được thực hiện qua 2 khâu, đầu tiên là xác định về chuyên môn và thứ hai là kiểm soát về giá trị pháp lý, tức xem giấy chuyển tuyến là thật hay được làm giả. Ở khâu kiểm soát về giá trị pháp lý, Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện sẽ kết hợp với bộ phận giám định BHYT của cơ quan bảo hiểm xã hội tại bệnh viện để giám định, xem xét kỹ từng trường hợp. 

Trước thực trạng một số bệnh viện đã phát hiện giấy chuyển tuyến được làm giả tinh vi, PGS.TS Trần Minh Điển cho rằng, bệnh viện sẽ rà soát lại việc kiểm soát giấy chuyển tuyến, mặt khác, sẽ tiếp tục quán triệt tới toàn thể bác sĩ về vấn đề này. 

Rõ ràng, Bộ Y tế, hệ thống Bảo hiểm xã hội cũng cần phải xem xét lại các vấn đề có thể tạo kẽ hở cho các đối tượng có thể lợi dụng để làm giả, sử dụng giấy chuyển tuyến giả, chẳng hạn như yêu cầu phần thông tin về thân nhân của đối tượng tham gia BHYT cần chặt chẽ hơn. “Nếu để xảy ra việc sử dụng giấy chuyển tuyến giả thì cả nơi chuyển đi, nơi tiếp nhận bệnh nhân đến đều phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, trực tiếp người bệnh sử dụng giấy tờ giả đó phải chịu trách nhiệm chính và bị xử lý nghiêm trước pháp luật, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật”, PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.

“Chúng tôi thường xuyên phải thẩm định các giấy tờ liên quan đến chuyển tuyến khám chữa bệnh từ tuyến dưới chuyển lên. Gần đây, có trường hợp cơ quan Bảo hiểm Xã hội Hà Nội gửi thông tin đề nghị bệnh viện xác minh trường hợp dùng giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT nghi là giả. Chúng tôi đã xác minh được đó là giấy chuyển tuyến giả, tôi đã thông báo cho cơ quan công an vào cuộc điều tra và bóc ra được đường dây làm giả giấy chuyển tuyến này, người sử dụng giấy tờ giả thì khai là họ mua qua mạng”.

TS. Dương Đức Hùng (Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai)