Báo động thảm họa thiên tai

ANTĐ - Thế giới đang phải gánh chịu thiệt hại ngày càng lớn về sinh mạng và của cải do thảm họa thiên tai gây ra và điều đáng quan ngại là những tổn thất này có thể còn nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Trong tuyên bố ngày 15-8, Giám đốc Cơ quan Phát triển LHQ (UNDP) Helen Clark nhấn mạnh, quản lý rủi ro thiên tai phải trở thành khía cạnh trung tâm của quá trình hoạch định phát triển. Theo người đứng đầu UNDP, cơ quan này cũng như các cơ quan khác của LHQ phải đóng vai trò quan trọng giúp lồng ghép mục tiêu giảm nhẹ thiên tai vào các chương trình phát triển nhằm giúp giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuyên bố của bà Helen Clark không chỉ được đưa ra khi Chiến lược quốc tế giảm nhẹ thiên tai của LHQ (UNISDR) đang tiến hành các đợt tham vấn về khả năng thay thế Chương trình hành động Hyogo (HFA) mà còn trong bối cảnh thiên tai đang gây những thiệt hại ngày càng lớn cho con người. HFA một chương trình hợp tác toàn cầu trong 10 năm nhằm giảm nhẹ rủi ro thảm họa thiên tai được lãnh đạo của 168 quốc gia thông qua năm 2005 tại Hyogo (Kobe, Japan).

Khi công bố thống kê về thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2010, Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học các thảm họa (CRED) của LHQ đã phải lên tiếng báo động toàn thế giới rằng đây là một trong những năm tồi tệ nhất về thiên tai trong hai thập kỷ qua với gần 297.000 người chết. Thiên tai cũng gây ra thiệt hại về kinh tế tới 109 tỷ USD cho toàn cầu trong năm tồi tệ kỷ lục này.

Thế nhưng, số liệu thống kê về thiệt hại do thiên tai gây ra chỉ một năm sau - năm 2011  còn khiến cả thế giới giật mình hơn khi mà tổn thất do các thảm họa thiên tai trong năm vừa qua lên tới 380 tỷ USD. Đây cũng là năm mà thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra lớn nhất trong lịch sử, cao hơn khoảng 70% so với thiệt hại năm 2005. 

Số liệu thống kê 2 năm gần đây cho thấy thiên tai đang gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn trên thế giới. Ấy vậy mà Uỷ ban liên chính phủ của LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC) còn khẳng định, các thảm họa này sẽ còn tăng nhanh trong tương lai. Theo IPCC, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng cường độ và tần số các thảm hoạ thiên nhiên như các đợt gió nóng, cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy… 

Nghiên cứu của IPCC dự báo tần số và ảnh hưởng của nhiệt độ nóng cực đoan sẽ tác động đến toàn cầu trong thế kỷ 21, làm nhiệt độ trung bình của Trái đất sẽ tăng thêm khoảng 3 độ C vào năm 2050 và 5 độ C vào năm 2100 so với cuối thế kỷ 20. Nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới nguy cơ xảy ra mưa lớn và bão tuyết có thể tăng nhanh cả về tần số và cường độ trong thế kỷ tới ở nhiều khu vực trên Trái đất, đặc biệt ở các vùng nhiệt đới và vĩ độ cao, trong khi hạn hán có thể hoành hành dữ dội ở các khu vực khác như Địa Trung Hải, Trung Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Brazil và miền Nam châu Phi.

Thiên tai là mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng với con người song HFA lại hết hạn vào năm 2015 nên thế giới cần có một khuôn khổ hợp tác mới. Hoan nghênh tuyên bố của bà Helen Clark, người đứng đầu UNISDR Margareta Wahlstrom cho rằng, lồng ghép mục tiêu giảm nhẹ thiên tai vào các chương trình phát triển như cách làm của UNDP và các cơ quan khác của LHQ là một kinh nghiệm quý báu giúp thế giới tìm kiếm một công cụ quốc tế mới nhằm giảm rủi ro thiên tai trong tương lai.