Báo động nhiễu loạn ngôn từ

ANTĐ - Thời hiện đại, ngôn ngữ Tiếng Việt đang xuất hiện những lệch chuẩn đáng báo động. Bệnh sính dùng từ ngoại, nói sai, viết sai, cách nói nửa tây nửa ta đang trở thành trào lưu. Nhiều nhà ngôn ngữ học lo ngại, cứ đà này, sự trong sáng của Tiếng Việt có nguy cơ bị mai một, bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ mất dần.

Giới trẻ chịu sự ảnh hưởng rõ rệt nhất của xu hướng toàn cầu hóa từ văn hóa, thời trang đến ngôn ngữ

Dạy con… nói sai Tiếng Việt

Lắng nghe trong giao tiếp hàng ngày, quan sát trên đường phố, những ai quan tâm đến văn hóa dân tộc chắc không tránh khỏi những trăn trở, lo lắng trước sự xuất hiện với tần suất ngày càng dày thêm những ngôn ngữ xa lạ. Đặc biệt, trong giao tiếp hàng ngày, sự dễ dãi, đơn giản trong sử dụng ngôn từ đã gạt tiếng mẹ đẻ sang một bên để nhường chỗ cho những từ ngữ thời thượng hơn, “mốt” hơn. Để biểu hiện sự đồng ý, nhất trí cao, người ta không sử dụng từ “thống nhất” mà thay vào đó là từ “ok”. Chạy theo mốt thời thượng, cá biệt còn có trường hợp ông bà, bố mẹ dạy con trẻ nói… sai Tiếng Việt. Khi đến nhà, các bậc phụ huynh dạy con trẻ “Con hê lô (hello) ông bà đi”, khi ra về thì “ con bai (bye) ông bà đi” và nhiều lúc đứa trẻ còn được khuyến khích cỗ vũ khi chúng “bye bye ông, bye bye bà”. Ngay từ nhỏ, các em đã được người lớn dạy nói, dạy diễn đạt Tiếng Việt không đúng căn chuẩn, vậy khi lớn lên, cùng với sự du nhập của nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới vào Việt Nam, các em sẽ là những người bị “nhiễu” ngôn ngữ. 

Sự hỗn độn, lai tạp, lai căng được biểu hiện rõ nhất khi giao tiếp trên mạng. Hàng loạt từ ngữ lớp trẻ đã sử dụng một cách ồ ạt, thêm pha, cắt gọt xem như một biến tấu ngoạn mục thứ mốt thời @ như Iu là yêu, papa là cha, mama là mẹ… Nhưng xét cho cùng, điều này là khó tránh khỏi bởi tâm lý ưa chuộng cái mới, tâm lý sính ngoại của người trẻ từ đồ dùng vật chất, chuyển dần sang cả văn hóa, thời trang, ngôn ngữ. Các em không chỉ bị ảnh hưởng phong cách ăn mặc của Hàn Quốc mà còn chịu tác động của ngôn ngữ Anh, Hàn, Nhật, Trung. Từ giao tiếp bên ngoài các em thành thói quen, thành nghiện rồi đưa cả vào trong bài viết, bài thi. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, của truyền thông đa phương tiện cùng với những tiện ích của các phương tiện thông tin đã đẩy nhanh những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa thêm mạnh và mở rộng trong mọi mặt đời sống. 

Xây dựng pháp luật về ngôn ngữ

Như vậy, đời sống ngôn ngữ Tiếng Việt hiện nay đang có sự lệch chuẩn và có những biến thái đáng báo động. Việc bảo vệ, phát huy sự giàu có và trong sáng của Tiếng Việt là nhiệm vụ thường trực cần có sự vào cuộc của nhiều thành phần xã hội. Theo ông Nguyễn Hữu Ngôn, Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa: “Nhà nước cần tập trung nghiên cứu đưa ra những chính sách, những chủ trương ở tầm vĩ mô nhằm giữ gìn và phát huy sự giàu có, trong sáng của Tiếng Việt để định hướng thực hiện đồng bộ nhất quán từ trên xuống dưới, từ trong nhà trường đến ngoài xã hội, từng bước có quy trình xây dựng pháp luật về ngôn ngữ”. Hơn thế, theo một số đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo “Ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong hoạch định chính sách và quản lý văn hóa” ngày 28-5 tại Hà Nội cho biết: với thế hệ trẻ, việc giáo dục tình yêu tiếng mẹ đẻ, niềm tự hào về sự giàu có và trong sáng của Tiếng Việt ở các cấp học từ mầm non đến đại học cần được đặc biệt chú trọng, bên cạnh việc giảng dạy, thực hành nâng cao khả năng vận dụng Tiếng Việt trong mọi trường hợp, mọi lúc mọi nơi. 

Cũng tại cuộc hội thảo này, các tham luận cũng chỉ ra giới văn nghệ sỹ, người của công chúng, các cơ quan thông tin có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ trẻ từ suy nghĩ, quan điểm đến nói năng. Vì thế, với những đối tượng này rất cần sự mẫu mực, chính xác trong rèn luyện và bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt. Là tiếng mẹ đẻ của đa số người Việt Nam, là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất của cộng đồng dân cư, việc phát huy vẻ đẹp Tiếng Việt không chỉ dành cho một số đối tượng nhất định mà là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân Việt Nam trước sự xâm nhập của ngôn ngữ ngoại lai, từng bước khẳng định sức sống bất diệt của ngôn ngữ Việt.