Báo động nhầm ở Hawaii khiến nhiều người sợ hãi

ANTD.VN - Một vụ báo động nhầm qua tin nhắn điện thoại về tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang lao tới Hawaii (Mỹ) đã khiến người dân hòn đảo này bị một phen hoảng loạn. 

Báo động nhầm ở Hawaii khiến nhiều người sợ hãi ảnh 1Thông báo báo động nhầm sau đó đã được phát đi ở Hawaii 

Tin nhắn phát đi vào 8h sáng 13-1 (giờ địa phương) với nội dung: “Đe dọa tên lửa đạn đạo đang tới Hawaii. Hãy tìm chỗ trú ẩn ngay. Đây không phải là một cuộc diễn tập”. Chương trình phát thanh và truyền hình cũng bị gián đoạn để cảnh báo người dân “Hãy ở trong nhà”.

Ở nơi chỉ cách khoảng 20 phút bay của tên lửa đạn đạo Triều Tiên, khỏi phải nói nguy cơ bị tên lửa tấn công khiến người dân Hawaii sợ hãi thế nào. Trẻ em được đưa xuống ống cống để trú ẩn, tài xế bỏ lại xe trên đường cao tốc, sinh viên đại học Hawaii rầm rập bỏ chạy, khách du lịch hoảng hốt.... Đó là những hình ảnh về cơn hoảng loạn tại thiên đường du lịch Hawaii.

Kể từ sáng 29-11, khi Triều Tiên chính thức tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 mới “có tầm bắn bao phủ toàn bộ lục địa Mỹ”, người dân Mỹ, đặc biệt là cư dân Hawaii, đã không còn cảm thấy bình yên. Hàng loạt những biện pháp đối phó đã được đưa ra ở cả cấp bang và liên bang.

Bắt đầu từ tháng 12-2017, Hawaii đã đưa hệ thống báo động từ thời “Chiến tranh lạnh” trở lại hoạt động. Bang này cũng tăng cường cung cấp kiến thức cho 1,4 triệu người dân và du khách về cách thức ứng phó với một cuộc tấn công hạt nhân, thông qua các cuộc họp cộng đồng và hệ thống phát thanh, truyền hình. Mục tiêu là bảo đảm sẽ có tới 80-90% người dân Hawaii sống sót nếu xảy ra một vụ tấn công trực tiếp.

Ông Gene Ward, nghị sĩ từ khu vực Honolulu còn lên tiếng kêu gọi cho phép mở các boongke mà quân Mỹ từng sử dụng trước thời Trân Châu Cảng năm 1941. Những đường ngầm này là các boongke tự nhiên được đào sâu trong núi và được sử dụng trong thời Thế chiến thứ hai. Nhiều người dân thì đề nghị biến đường ngầm ở dưới miệng núi lửa Diamond Head, gần bờ biển Waikiki, thành nơi trú ẩn trong trường hợp bị tấn công.

Ở cấp liên bang, các phương án quân sự liên tục được đưa ra. Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ đề xuất chi 8,5 tỉ USD tài trợ cho Cơ quan phòng thủ tên lửa (MDA) nhằm nâng cao hệ thống tự vệ không gian, khu vực và đất liền. Hiện MDA đang khảo sát một số địa điểm ở khu vực bờ biển phía Tây của Mỹ để chọn làm nơi triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm tăng cường khả năng ứng phó 24/7 trước nguy cơ tấn công của tên lửa đạn đạo Triều Tiên.

Kế hoạch này được cho là sẽ bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). So về độ chính xác trong quá trình hoạt động, THAAD được đánh giá cao hơn so với hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên tàu hải quân. 

Chưa biết các biện pháp phòng ngừa nói trên hiện quả thế nào, thì xảy ra vụ báo động nhầm. Theo ông David Ige, Thống đốc bang Hawaii, việc ấn nút cảnh báo nhầm xảy ra trong lúc giao ca, vốn diễn ra 3 lần một ngày tại cơ quan quản lý vấn đề khẩn cấp. Phải 38 phút sau tin nhắn báo động nhầm, một tin nhắn thứ hai mới được gửi đến các điện thoại ở Hawaii với nội dung “Không có mối đe dọa hay nguy hiểm nào với bang Hawaii. Nhắc lại. Báo động giả”. 

Ông David Ige đã lên tiếng xin lỗi người dân Hawaii, còn chính quyền Mỹ đã thông báo sẽ tiến hành điều tra đầy đủ vụ việc. Nhưng với người dân Hawaii, an toàn đâu chưa thấy, còn cảm giác hỗn loạn khủng khiếp trong suốt 20 phút trước khi được biết là báo động nhầm thì nay họ hiểu rõ hơn ai hết.