Báo động nguy cơ bùng phát dịch sởi do miễn dịch thấp trong cộng đồng

ANTD.VN - Từ năm 2018 đến nay, bệnh sởi có nguy cơ bùng phát trở lại ở khu vực phía Nam nước ta nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Số ca mắc bệnh sởi đã đạt ngưỡng báo động. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng quá thấp.

Biến chứng nặng nề ở bệnh nhân mắc sởi

Theo Báo Thanh niên, khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho bệnh nhân nữ Đ.H.V (28 tuổi, ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị viêm não - màng não do biến chứng của sởi. Khoảng 10 ngày trước khi được chuyển đến khoa này, bệnh nhân sốt cao, sau đó nổi ban, được người nhà đưa vào điều trị tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội. Tại đây, xét nghiệm máu cho kết quả mắc sởi.

Các bác sĩ khuyến cáo sởi có thể gây tai biến nguy hiểm cho người lớn. Ảnh: Mai Thanh

Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng được chẩn đoán theo dõi viêm não do sởi và chuyển đến điều trị tại Khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai.

PGS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai, xác nhận: Bệnh nhân Đ.H.V nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy xác định bệnh nhân bị viêm não - màng não do sởi. Bệnh nhân này không nhớ đã được tiêm phòng sởi trước đó.

Trước khi phát bệnh, Đ.H.V sống và làm việc tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM - nơi có dịch sởi.

Bác sĩ điều trị cho biết: “Tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, phải thở ô xy, cần được theo dõi sát sao”. Biến chứng viêm não do mắc sởi nếu điều trị tích cực bệnh có thể phục hồi nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, thể chất, theo PGS Cường. Ngoài biến chứng viêm não, sởi có thể gây nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù lòa...

Từ cuối năm 2018, khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn, tập trung ở lứa tuổi 25 - 35, nhiều ca nặng trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai.

Dịch sởi bùng phát trên toàn cầu

Thông tin trên VTV cho biết, theo WHO, số ca mắc sởi trên thế giới đã tăng gần 50% trong năm 2018. Đáng chú ý, nhiều đợt bùng phát dịch sởi kéo dài, diễn ra trên quy mô lớn và có nguy cơ lây lan nhanh, nhưng chỉ chưa tới 10% số ca mắc sởi hiện nay được ghi nhận.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm rất cao nhưng vẫn khả năng kiểm soát được nếu hơn 95% dân số được tiêm phòng. Tuy nhiên, dịch sởi quay trở lại châu Âu ở mức độ nghiêm trọng tới mức giữa năm 2018 Tổ chức Y tế Thế giới phải lên tiếng cảnh báo. Số lượng người nhiễm sởi năm 2018 đã tăng gấp 4 lần năm sát trước đó, ở mức cao nhất kể từ 10 năm trở lại đây.

Tại Philippines, dịch sởi bùng phát, bởi việc tiêm phòng còn gắn liền với nỗi sợ hãi khác của các bậc phụ huynh, đó là vaccine giả và kém chất lượng. Đây có thể là hậu quả của bê bối y tế diễn ra hồi năm 2017, liên quan đến độ an toàn của vaccine chống sốt xuất huyết Dengvaxia, khiến người dân mất niềm tin vào loại vaccine này nói riêng và chương trình tiêm chủng nói chung.

Bệnh sởi lan truyền chủ yếu qua không khí. Một người nhiễm virus có thể lây truyền cho 15 - 20 người khác. Tiêm phòng vẫn là biện pháp hữu hiệu duy nhất, một lần khi trẻ em đủ 12 tháng tuổi và một lần nữa sau đó từ 4 - 6 tháng. Còn tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã phải lên sóng truyền hình quốc gia để cảnh báo mức độ nguy hiểm của bệnh sởi và hối thúc người dân đưa trẻ em đi tiêm phòng.

Các nước trên thế giới đều đang kêu gọi người dân thực hiện tiêm phòng, nâng cao nhận thức về dịch bệnh để có cách phòng tránh hiệu quả nhất.

Cần tăng độ bao phủ tiêm chủng để kiểm soát dịch sởi

Theo các  chuyên gia y tế, sự thờ ơ của phụ huynh, tâm lý “bài trừ” vắc-xin chính là những trở ngại khiến cho độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng ngày càng thấp. Ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, phường Tân Thới Nhất, Quận 12 xuất hiện một chùm ca bệnh sởi. Theo Bác sỹ Trương Minh Thống Nhất - Trưởng trạm Y tế phường, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi trên địa bàn chỉ đạt 56%. “Với tỷ lệ này, nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát trên diện rộng là rất cao” - Bác sỹ Nhất lo lắng. Mặc dù cán bộ y tế liên tục mời phụ huynh đưa con đến tiêm phòng nhưng nhiều phụ huynh vẫn không chấp hành.

Không chỉ những phụ huynh, các trường học cũng chưa hợp tác với ngành Y tế trong việc thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng sởi. Dẫn chứng là từ cuối tháng 12-2018, Sở Y tế TP.HCM đã thực hiện chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ trong độ tuổi từ 1-5 tuổi tại các trạm y tế và trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, 99 trường học đã không đồng ý tham gia chiến dịch. Điều này góp phần tạo ra “lỗ hổng” trong tiêm chủng đối với bệnh sởi.

Ghi nhận thực tế từ công tác khám chữa bệnh, Bác sỹ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, thực tế hơn 95% trẻ mắc bệnh sởi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 thời gian qua đều chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc mới chỉ tiêm được 1 mũi. “Có nhiều lý do để phụ huynh không tiêm phòng vắc - xin sởi cho con. Người thì do con hay mắc bệnh vặt, người quên lịch tiêm, thậm chí có những người có tâm lý “bài trừ” vắc-xin khiến cho số lượng trẻ không được tiêm chủng ngày càng nhiều, bệnh dịch vì thế cũng bùng phát theo”, bác sỹ Khanh lý giải.

Cho trẻ tiêm chủng đúng và đủ liều giúp bảo vệ trẻ phòng tránh nguy cơ mắc bệnh sởi và những biến chứng nguy hiểm.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin sởi trong cộng đồng hiện rất thấp. Càng ở những địa phương có độ bao phủ tiêm chủng thấp, dịch sởi bùng phát càng mạnh. Đơn cử, quận Bình Tân là địa phương có số ca mắc sởi cao nhất thành phố với 547 ca trong năm 2018, chiếm hơn 16% tổng số ca mắc toàn thành phố. Theo báo cáo của quận, tỷ lệ trẻ được tiêm ngừa mũi sởi 1 đạt khoảng 95%, tuy nhiên mũi sởi 2 chỉ đạt khoảng 40%.

Trước nhiều luồng ý kiến nên cho trẻ tiêm phòng sởi sớm hơn, các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên giảm độ tuổi tiêm ngừa cho trẻ bởi càng đẩy lên sớm, hiệu quả miễn dịch của vắc - xin càng kém. Để phòng bệnh sởi, phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng sởi đúng lịch theo quy định trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.