Báo động mới về "sát thủ" ung thư tại Việt Nam và thế giới

ANTD.VN - Ung thư đã trở thành một “sát thủ” ngày càng đáng sợ với thế giới khi số người mắc cùng số người tử vong bởi căn bệnh quái ác chưa thể chữa khỏi này gia tăng nhanh chóng.

Báo động mới về "sát thủ" ung thư tại Việt Nam và thế giới ảnh 1Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi trên thế giới

Trong báo cáo công bố ngày 12-9, Cơ quan quốc tế nghiên cứu ung thư trực thuộc Liên hợp quốc (IARC) đã lên tiếng báo động về sự gia tăng nhanh của căn bệnh ung thư trên toàn cầu. Theo đó, dự báo trong năm nay sẽ có thêm hơn 18 triệu ca ung thư và sẽ có khoảng 9,6 triệu người tử vong do căn bệnh này; tăng mạnh so với con số 14,1 triệu ca mắc bệnh mới và 8,2 triệu người tử vong vì ung thư mà IARC công bố hồi năm 2012. 

IARC cho rằng, căn bệnh ung thư đang là mối đe dọa ngày một nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn toàn cầu. Tính trung bình trên thế giới, cứ 5 nam giới thì có 1 người và 6 phụ nữ thì có 1 người mắc chứng bệnh ung thư trong cuộc đời của mình, trong đó có 1/8 số nam giới và 1/11 số nữ giới tử vong do căn bệnh này.

Châu Á hiện chiếm 60% số dân thế giới, cũng là châu lục có số bệnh nhân ung thư mới nhiều nhất trên phạm vi toàn cầu, ước tính chiếm gần 50% số ca mắc bệnh mới và hơn 50% số ca tử vong do ung thư trong năm 2018. Châu Âu chiếm 23,4% số ca ung thư mới và 20,3% số ca tử vong do ung thư, dù châu lục này chỉ chiếm 9% dân số thế giới. Châu Mỹ chiếm 13,3% dân số thế giới, song chiếm tới 21% ca ung thư và 14,4% ca tử vong do căn bệnh này trên toàn cầu.

Ung thư phổi là “thủ phạm” gây nhiều ca tử vong nhất ở cả nam giới cũng như phụ nữ và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những cái chết do ung thư ở phụ nữ tại 28 quốc gia. Nguyên nhân chính dẫn tới ung thư phổi được cho là do thuốc lá gây ra. Theo IARC, có nhiều nguyên nhân khiến căn bệnh ung thư ngày càng gia tăng như sự tăng trưởng dân số tới sự lão hóa, trong khi sự thay đổi về các loại ung thư được chẩn đoán có liên quan tới sự phát triển kinh tế - xã hội. IARC nhấn mạnh, điều này đặc biệt đúng tại những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng đồng thời lưu ý đến một xu hướng mới, đó là nghèo đói và các bệnh truyền nhiễm không còn là thủ phạm chính gây ung thư, mà thay vào đó là phong cách sống tại các quốc gia công nghiệp hóa.

Việt Nam không phải là nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới, song đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại do lạm dụng các chất kích thích và nhất là thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính hiện có khoảng 126.000 ca mắc bệnh ung thư mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư tại Việt Nam. Thống kê gần nhất mà WHO công bố giữa năm 2014 cho thấy Việt Nam xếp thứ 78 trong xếp hạng 172 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ tử vong vì căn bệnh ung thư.

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất trên trang http://Globalcancermap.com/, tỷ lệ trường hợp mắc ung thư mới hàng năm ở Việt Nam là 138.7/100.000 người và Việt Nam đứng ở 105 trên tổng số 179 nước và vùng lãnh thổ trong bản đồ ung thư quốc tế về tỷ lệ mắc bệnh này.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, tỷ lệ ung thư ở nam giới Việt Nam cao hơn hẳn nữ giới do tình trạng lạm dụng rượu, bia và các chất có cồn. Trong số 15 yếu tố nguy cơ khiến con người dễ mắc bệnh nhất, rượu bia và thuốc lá cũng chiếm vị trí hàng đầu. 

Nhằm phòng, chống ung thư, Việt Nam đang mở rộng mạng lưới phòng, chống ung thư bao phủ hết các tỉnh thành, phát triển hệ thống ghi nhận ung thư và đẩy mạnh công tác khám, sàng lọc, phát hiện ung thư sớm. Đây là biện pháp quan trọng nhất để chữa trị hoặc kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư. Theo đó, nam giới ở độ tuổi từ 40-75 nên đi khám sức khỏe 3-6 tháng một lần. Phụ nữ trên 40 tuổi cần thăm khám định kỳ để phát hiện sớm 2 căn bệnh ung thư phổ biến nhất là ung thư cổ tử cung và ung thư vú.