Báo động khẩn về tai nạn lao động: “Nếu không hành động ngay thì quá muộn”

ANTĐ - Ngày 12-3-2013 tại Hội thảo khu vực “Tăng cường hệ thống an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao” tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 14 và 15-3 do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh cho biết, trong năm 2012 theo con số thống kê qua báo cáo của các doanh nghiệp và tổ chức cả nước xảy ra 6.800 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 606 người chết, tăng gần 10% so với năm 2011 gây thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng chưa kể chi phí bồi thường lên tới 82,6 tỷ đồng. 

Tuy nhiên cũng tại hội thảo này, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cũng cho biết, những con số thống kê nói trên chưa phản ánh được tình trạng TNLĐ đang gia tăng trong năm 2012. Theo ông, số vụ TNLĐ trong cả nước phải lên tới 40.000 vụ, với hàng nghìn người chết. Lý do của việc chênh lệch giữa con số thống kê và thực tế do nhiều vụ TNLĐ đã được chủ sử dụng lao động giải quyết bồi thường kịp thời cho người lao động và người bị tai nạn không khiếu kiện, chủ doanh nghiệp không báo cáo vì vậy các cơ quan quản lý không biết.

Ba ngành công nghiệp để xảy ra nhiều TNLĐ nhất là Khai thác mỏ - Xây dựng - Hóa chất với số người chết cao nhất. Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, riêng đối với ngành Khai thác than đá, số vụ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp xảy ra trong khai thác đá có chiều hướng gia tăng với mức độ rất nghiêm trọng. Năm 2011 số vụ TNLĐ là 252 vụ, tăng gần 20% so với năm 2005, làm 63 người chết và 218 người bị thương. Trong đó nghiêm trọng nhất là vụ sập mỏ đá tại Lèn Cơ, Nghệ An khiến 18 người chết và nhiều người khác bị thương. Các ngành khác cũng để xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng, có nhiều vụ gây bức xúc dư luận như vụ một người lao động bị xay thành bột trong máy nghiền giấy xảy ra ngày 12-3-2013 tại tại một xưởng sản xuất giấy ở ấp 4, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Tại Hà Nội, năm 2012, toàn thành phố xảy ra 152 vụ TNLĐ làm chết 37 người. 

Điều kiện lao động không đảm bảo an toàn 

Điều tra các doanh nghiệp khai thác khoáng sản của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH năm 2011 cho thấy gần một nửa doanh nghiệp được điều tra không thực hiện việc lập, phê duyệt thiết kế mỏ. Kiểm tra các quy định về ATVSLĐ kết quả cũng không khả quan hơn khi chỉ có 59,86% tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; 11,57% doanh nghiệp có báo cáo định kỳ về ATVSLĐ… Đặc biệt, chỉ có gần 150 doanh nghiệp, cơ sở khai thác đá được các cơ quan chức năng kiểm tra (chỉ chiếm 6,25% số doanh nghiệp khai thác đá được cấp phép). Trong số đó đã có hơn 50% số doanh nghiệp vi phạm các quy định về ATVSLĐ. 

 Có thể lấy ngành Khai thác đá làm ví dụ. Do nhu cầu kinh tế, số đơn vị được cấp phép trong cả nước là 2.378 đơn vị và lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực này hiện chiếm khoảng 2,1% trong tổng số lực lượng lao động. Tuy nhiên TNLĐ và bệnh nghề nghiệp (BNN) xảy ra trong khai thác đá có chiều hướng gia tăng và mức độ rất nghiêm trọng: Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH trong những năm gần đây, số vụ TNLĐ xảy ra trong lĩnh vực khai thác khoáng sản luôn chiếm tỉ lệ cao (khoảng 18%  tổng số vụ). Một điều đáng lưu ý là các vụ TNLĐ chết người nghiêm trọng trong những năm gần đây hầu hết xảy ra trong lĩnh vực khai thác đá. Đơn cử Ví dụ như vụ TNLĐ tại công trường khai thác đá Bản Vẽ (Nghệ An) làm chết 18 người; TNLĐ tại mỏ đá Rú Mốc (Hà Tĩnh) làm chết 7 người và vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An) làm chết 18 người.

Bên cạnh đó, số người mắc BNN trong khai thác đá cũng chiếm tỉ lệ cao trong tổng số người mắc BNN hiện nay ở Việt Nam (khoảng 5-6%), trong đó chủ yếu là bệnh bụi phổi Silic, bệnh điếc do tiếng ồn. Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2011, số người mắc BNN của Việt Nam là 27.246 người, trong đó 74,49% mắc bệnh bụi phổi Silic, 16% mắc bệnh điếc nghề nghiệp.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong ngành Xây dựng. TNLĐ và BNN xảy ra trong lĩnh vực xây dựng có chiều hướng gia tăng: Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 2000 xảy ra 196 vụ làm chết 52 người, thì đến năm 2011 số vụ TNLĐ tăng lên là 502 vụ làm chết 117 người và bị thương nặng 118 người. Còn theo kết quả phân loại sức khỏe người lao động trong ngành Xây dựng của các tổ chức y tế cho thấy: số người có sức khỏe loại 4 và 5 là 6%; số người có sức khỏe loại 3 là 35%. Như vậy trong ngành Xây dựng có 41% tổng số người lao động trong ngành không đủ sức khỏe để làm việc trong lĩnh vực xây dựng.

Tình hình TNLĐ, BNN và nhiễm độc trong sản xuất và sử dụng chất hóa học đang ở mức độ nghiêm trọng. Tình trạng ngộ độc, nhiễm độc ở các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất như sản xuất chất dẻo, in bao bì, dày, da… và nhiễm độc hóa chất qua thức ăn xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi, có nhiều vụ rất nghiêm trọng.

Kiểm tra chỉ để kiểm tra

Một trong những nguyên nhân chủ yếu để xảy ra nhiều TNLĐ là công tác quản lý Nhà nướ về an toàn lao động vẫn còn lỏng lẻo. Theo bà Đỗ Thị Thúy Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục ATLĐ thì công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu: “Tính đến tháng 12-2011 có 430 120 thanh tra, kể cả lực lượng gián tiếp. Trong khi đó số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gần 600.000, thì số doanh nghiệp được thanh tra hàng năm là rất ít, không đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất”. Tuy nhiên sau kiểm tra các doanh nghiệp cũng không khắc phục các vi phạm và công tác kiểm tra giám sát cũng không phát hiện và đôn đốc việc khắc phục này. Vì vậy nhiều vụ việc kiểm tra chỉ là để kiểm tra.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định để giảm thiểu TNLĐ cần sớm hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ. Trước tiên cần sớm ban hành Luật ATVSLĐ. Hiện Bộ LĐ-TB&XH mới nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật ATVSLĐ dự kiến trình Quốc hội vào đầu năm 2014, tuy nhiên việc xây dựng dự thảo này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do Luật phải phù hợp với mức độ đáp ứng về ATVSLĐ của các doanh nghiệp hiện nay.

Cũng cần tăng cường các chế tài đối với các doanh nghiệp vi phạm cac quy định về ATVSLĐ để tạo ra môi trường pháp lý, thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường các biện pháp bảo hộ lao động hiện nay. 

 Tai nạn lao động đang ở tình trạng báo động nguy hiểm. Cần phải có những can thiệp kiên quyết để giảm  TNLĐ. Như Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho hay: “Nếu không hành động ngay từ bây giờ thì sẽ quá muộn!”.