Báo động hiểm họa MERS

ANTĐ - Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) đang có nguy cơ trở thành một hiểm họa lây nhiễm nguy hiểm như  dịch bệnh SARS, đe dọa sức khỏe cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới.
Báo động hiểm họa MERS ảnh 1
Các nhà khoa học đang khẩn trương tìm kiếm loại vaccine phòng chống bệnh MERS

Bộ Y tế Arập Xêút ngày 15-5 xác nhận có thêm 3 trường hợp nhiễm mới và 3 ca tử vong do virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS), nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia Trung Đông này lên 514 người, trong đó có 160 ca tử vong. Theo đó, 3 ca tử vong mới gồm 2 phụ nữ 72 và 54 tuổi cùng 1 nam giới 63 tuổi, đều sống tại các địa điểm bùng phát dịch mạnh là Thủ đô Riyadh và thành phố cảng Jeddah.

Tình hình trên đã làm dấy lên sự lo lắng của giới chuyên môn cũng như các quốc gia về dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm MERS. Sở dĩ được gọi là MERS bởi dịch bệnh đáng sợ này được phát hiện đầu tiên và cũng hoành hành mạnh nhất tại khu vực Trung Đông.

Theo ghi nhận, MERS xuất hiện lần đầu tại Arập Xêút hồi tháng 9-2012 rồi lan ra nhiều quốc gia Trung Đông láng giềng. Đến nay, virus gây ra căn bệnh MERS đã xuất hiện ở 16 quốc gia ở châu Âu như Hà Lan, Mỹ và châu Á như Malaysia… song tuyệt đại đa số các ca bệnh vẫn là những người dân địa phương hay từng đến từ các quốc gia vùng Vịnh du lịch, làm ăn. 

Các chuyên gia y tế cho rằng, MERS là loại virus gây ra những triệu chứng gần giống virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng gây dịch bệnh nguy hiểm ở châu Á năm 2003 khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và 9% trong số đó tử vong. Dù ít lây lan hơn SARS nhưng MERS lại nguy hiểm hơn vì chưa có vaccine hay phác đồ điều trị đặc hiệu nên tỷ lệ tử vong lên tới gần 30% trường hợp mắc bệnh. 

Qua nghiên cứu ban đầu, các nhà khoa học cho rằng dịch bệnh MERS có nguồn gốc từ lạc đà, loài vật nuôi khá phổ biến ở Arập Xêút cũng như các quốc gia khác vùng Trung Đông. Những người nhiễm MERS thường có biểu hiện sốt cao, khó thở, viêm phổi và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tuy cả số ca nhiễm lẫn số người tử vong đang tăng nhanh tại Arập Xêút và khu vực Trung Đông song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14-5 cho biết virus gây chết người này chưa tạo ra tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với y tế cộng đồng. Theo thông báo của Ủy ban khẩn cấp WHO, dựa trên thông tin hiện nay, mức nghiêm trọng xét ở góc độ tác động đối với sức khỏe cộng đồng là đáng lo ngại, song chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy MERS lây truyền từ người sang người.

Tại Đông Nam Á, trường hợp nhiễm và tử vong đầu tiên vì bệnh MERS được ghi nhận là một nam giới người Malaysia, 54 tuổi, trở về nước sau khi hành hương tại thánh địa  Mecca ở Arập Xêút vào cuối tháng 3-2014 và chết ngày 13-4. Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Philippines đã có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm MERS như cảnh báo, kiểm tra y tế tại sân bay…