Báo động căn bệnh thờ ơ, vô cảm

ANTĐ - "Thương người như thể thương thân" lời dạy của cha ông ta từ lâu, đã trở thành đạo lý của người Việt Nam. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác còn có những kẻ sống thờ ơ, vô cảm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân.
Mới đây, dư luận rúng động vì chuyện ăn bớt văc-xin tiêm phòng cho trẻ của nhân viên y tế ở Trung tâm y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Một phụ huynh khi đưa con đi tiêm vac-xin đã phát hiện y tá Bùi Thị Phương Hoa ăn bớt vắc-xin, chỉ tiêm có 2/3 so với liều chuẩn, đã gây không ít hoang mang, bức xúc cho nhiều người. Nếu sự việc này không vỡ lở ra, thì sẽ còn bao nhiêu đứa trẻ bị làm hại, bao nhiêu bậc làm cha làm mẹ còn bị bịt mắt, bởi sự vô cảm của người được gọi là thầy thuốc.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, Khoa Xã hội học, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc Gia Hà Nội, bản chất hội chứng vô cảm là không còn năng lực phản ứng trước hiện tượng khách quan. Anh không phản ứng được tức là anh tê liệt về mặt tinh thần.
Báo động căn bệnh thờ ơ, vô cảm ảnh 1
Y tá Bùi Thị Phương Hoa đã "ăn bớt" vắc xin khi tiêm cho trẻ


Hằng ngày, trên các mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, ắt hẳn chúng ta thấy ko ít những vụ việc mà chỉ nghe thôi, người ta cũng thấy rõ sự vô cảm đến tàn nhẫn của những người chứng kiến. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, cho rằng: Bệnh vô cảm có ảnh hưởng rất lớn, chỉ cần một hành động chỉ đạo, làm không đến nơi đến trốn là biết bao người ảnh hưởng theo. Ví dụ việc người ta báo lên chùa này bị hỏng, đoạn đường này hỏng, đoạn đường kia hỏng cần thi công lại, mà mấy ông quan chức chỉ vâng, vâng, dạ, dạ rồi để đấy nghiên cứu, thì bao nhiêu người sẽ bị tai nạn trên đọan đường đó, bao nhiêu di tích sẽ sập, sẽ hỏng theo. 

Nếu không vô cảm thì sao có chuyện trẻ con chèo đò qua sông đi học bao nhiêu năm mà người lớn vẫn nhắm mắt làm ngơ! Và nếu không vô cảm thì sao có chuyện học sinh trường nội trú phải bẫy chuột làm thức ăn cho qua ngày!

Nghi ngờ người phụ nữ này ngoại tình với chồng, một bà mẹ cùng con trai đánh đập
và lột sạch quần áo người phụ nữ trước sự "chứng kiến" của người đi đường.


GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho biết: "Người lớn đã đành, trẻ con là thế hệ tương lai mình phải giữ gìn lấy nó. Tôi nhìn thấy các em ấy đu dây, trượt qua dây quá nguy hiểm. Vậy thì cả nhân dân ấy ở đâu mà không làm lấy cái cầu tạm thôi, dù là nhỏ thôi, cũng nên làm chứ!".

Thói vô cảm dường như đã trở nên không cần che giấu, và phổ biến đến mức thành một phần của đời sống xã hội. Không biết thói vô cảm có từ bao giờ. Phải chăng nó là sự "kết tinh" của lối sống "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện đại. 

Đối xử với “bệnh vô cảm” là chuyện của mọi người sống trong xã hội, nhưng trước hết, nó phải là “việc phải làm” của các cơ quan công quyền, nhất là những cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật. Một khi những cơ quan bảo vệ người dân, bảo vệ pháp luật cũng bị “dịch vô cảm” lây lan, thì thật khó có thể loại bỏ căn bệnh này.