Báo điện tử: Thách thức cực lớn, cửa... "sống" vẫn còn

ANTD.VN - Phóng viên Báo điện tử ANTĐ có cuộc trao đổi với ông Tuấn Hà - CEO Vinalink, xung quanh câu chuyện phát triển báo điện tử trong sức ép cực lớn từ mạng xã hội.

- Thưa ông, xu hướng chung là các cơ quan báo chí Việt Nam buộc phải chuyển hướng sang phát triển báo điện tử. Ông so sánh thế nào giữa báo điện tử ở Việt Nam hiện nay với thế giới? 

- Ông Tuấn Hà - CEO Vinalink: Báo điện tử ở Việt Nam hiện nay so với thế giới có thể nói là khá ngang bằng. Các báo điện tử Việt Nam rất nhạy săn tin và cung cấp thông tin rất nhanh cho bạn đọc. Thậm chí các chức năng truyền tin trực tiếp trên báo điện tử đã xuất hiện 2 năm nay, như trực tiếp hiện trường, trực tiếp bóng đá... 

Chúng tôi có những số liệu nghiên cứu cho thấy, người Việt Nam đọc báo điện tử vẫn nhiều hơn cả vào Facebook hay Google. Điều đó cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của báo điện tử trong đời sống xã hội hiện nay.

- Mạng xã hội đã và đang tác động rất nhiều đến báo chí nói chung, trong đó có báo điện tử. Ông có dự báo thế nào về vấn đề này trong tương lai?

- Đúng là mạng xã hội tác động rất nhiều đến cách làm báo hiện nay. Một trong những lý do là vì lượng traffic (truy cập) đổ từ mạng xã hội về báo điện tử hàng ngày là rất lớn. Thậm chí, để giữ và gia tăng lượng người đọc vào báo điện tử, nhiều báo coi lượng traffic câu từ mạng xã hội là lẽ sống còn. 

Tôi xin chúc mừng Báo điện tử An ninh Thủ đô có số lượng traffic vào từ mạng xã hội được coi là TOP hiện nay tại Việt nam, với con số 13% và cao hơn cả các tờ báo lớn như Vietnamnet hay VnExpress. Lượng traffic vào từ search (tìm kiếm) cũng cao hơn. Các báo Vietnamnet và VnExpress có vẻ “thương hiệu” hơn, nên lượng truy cập trực tiếp cao hơn so với từ tìm kiếm hay mạng xã hội. Tất nhiên ở đây chỉ nói về nguồn truy cập. Lượng truy cập tuyệt đối thì hai báo kia cao hơn ANTĐ khá nhiều.

- Qua phản hồi từ bạn đọc, khá nhiều trường hợp bạn đọc sau khi đọc tin tức ở các báo, sẽ vào Báo An ninh Thủ đô điện tử để “kiểm chứng” thông tin. Vì thế, lượng vào từ tìm kiếm hay mạng xã hội cao hơn truy cập trực tiếp là điều dễ hiểu…

- Đúng thế. Trở lại với xu hướng phát triển báo điện tử. Hiện tượng phóng viên thay vì đi hiện trường săn tin, thì tổ chức săn tin trên mạng xã hội là một xu thế đáng chú ý. Cách làm này khá phổ biến do mạng xã hội ở Việt Nam có gần 40 triệu người dùng, một số mạng xã hội lại có các chức năng như Livestream (phát video trực tiếp), nên người dân chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có nối mạng, là có thể đăng thông tin nhanh hơn nhiều báo chí.

Vì thế, một số báo đã dùng các chức năng Social Monitoring tools cao cấp để quét các tin tức xung quanh các chủ đề, người nổi tiếng hay từ khóa nào đó để săn các thông tin nhanh nhất từ mạng xã hội. Những tin tức này được biên tập đưa lên báo điện tử, từ đó gia tăng traffic rất lớn từ mạng xã hội vào.

- Báo chí chính thống cần phải có thời gian kiểm chứng thông tin, vậy làm sao để "chiến đấu" với thông tin mạng xã hội bùng nổ kiểu như mỗi người tham gia mạng xã hội vừa là "Phóng viên", vừa là "Tổng Biên tập" có thể “xuất bản” thông tin bất cứ khi nào họ muốn?

- Phóng viên báo điện tử chính thống cần phải có tâm để kiểm chứng nguồn tin từ các thông tin mà mạng xã hội đưa lên, tránh bị gài bẫy giật tít câu view của những đối tượng đùa nghịch hoặc có ý đồ xấu trên mạng xã hội. 

Những thông tin từ các Livestream có thể tin cậy cao hơn, video cũng có thể tin cậy, nhưng không có gì là đảm bảo tin cậy 100%. Riêng các Topic và ảnh thì rất dễ bị chế và không đúng sự thật. Phóng viên báo điện tử chính thống nên xác minh thông qua việc xem ai là chủ nhân đưa và phỏng vấn họ trực tiếp thì sẽ tránh được những sai sót không đáng có.

Tôi nghĩ, báo điện tử chính thống vẫn có cửa để phát triển song song với mạng xã hội. Mọi người có thể tiếp cận thông tin nhanh nhất từ mạng xã hội, nhưng sau đó sẽ kiểm chứng qua các báo điện tử chính thống, như đã phân tích vậy.

- Đã có rất nhiều thông tin được đưa lên mạng xã hội thu hút sự chú ý rất lớn, nhưng sau đó lại được chứng minh đó là thông tin giả, tin đồn vô căn cứ... Luật Báo chí lại không "quản" được mạng xã hội. Theo ông, nên ứng xử như thế nào với vấn đề này?

- Thường những tin đồn vô căn cứ được lan truyền là do người dân bị mắc lừa những kẻ “giật tít câu view” vô tội vạ. Ví dụ: Tin đồn thất thiệt về việc các nữ sinh ở Hà Nội bị rạch đùi, tin đồn về việc lộ đề thi, hay gần đây có tin đồn về hoa quả có nilon... 

Những đối tượng làm web cá nhân muốn câu người đọc để kiếm tiền quảng cáo, thường nghĩ ra những tin gì thật giật gân để thông tin lan truyền mạnh. Báo chí chính thống nên kiểm tra hiện tượng lan truyền này và xem nguồn gốc và động cơ từ đâu. Theo tôi, nhanh chóng cảnh báo, đập tan mọi tin đồn gây hại cho xã hội, không để gây hoang mang dư luận là nhiệm vụ quan trọng của báo điện tử chính thống trong thời gian tới.

- Vừa rồi rộ lên chuyện một số trang web thông tin bị hacker (tin tặc) tấn công. Với các báo điện tử, đây cũng là vấn đề hết sức nóng, bởi nếu xảy ra việc tấn công chiếm quyền kiểm soát thì hết sức nguy hiểm. Ông có lời khuyên gì đối với các báo điện tử?

- Việc tin tặc tấn công các trang thông tin là rất nguy hiểm. Trong đó, việc tin tặc tấn công thay đổi thông tin chính thống, khiến báo chí có thể bị vạ lây, mang tiếng là đưa thông tin sai sự thật. Hiện tượng này không phải bây giờ mới xuất hiện. Các nhóm tin tặc thường xuyên tìm cách tấn công các website, báo điện tử...

Chúng ta có thể nhớ lại vụ 1 tin tặc đã thay ảnh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên một trang tin chính thống của Bộ từ nhiều năm trước. Các tin tặc bây giờ thường tấn công để khai thác lợi ích từ việc tấn công đó. Chẳng hạn tin tặc tấn công và bí mật gắn các link ẩn vào trang thông tin. Vừa qua đã phát hiện ra hàng loạt vụ việc kiểu này khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải chỉ đạo điều tra, xử lý.

- Báo điện tử ANTĐ đã ra mắt, hoạt động được gần 10 năm. Hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút bạn đọc, quảng cáo... Ông có thể tư vấn gì cho Báo trong việc này?

- Xin chúc mừng Báo điện tử ANTĐ đã bước sang tuổi thứ 10 và đặc biệt Báo ANTĐ kỷ niệm 40 năm xuất bản số đầu tiên. Ngoài ra, tôi được biết, Báo ANTĐ còn có cả chương trình truyền hình An ninh ATV nữa.

Hàng ngày có hàng triệu lượt độc giả trên khắp cả nước tiếp cận thông tin qua các loại hình báo chí của Báo ANTĐ. Điều này cho thấy vai trò, vị trí rất quan trọng của Báo, trở thành một trong các món ăn tinh thần và thông tin hàng ngày của người dân. 

Báo điện tử ANTĐ không thiên về các nội dung có nhiều traffic như các tờ báo chuyên cho giới trẻ hay giải trí khác, nên việc thu hút độc giả đương nhiên sẽ khó hơn nhiều. Nhưng nếu chỉ tính những lượng độc giả quan tâm đến tin tức chính thống thì Báo điện tử ANTĐ chắc chắn đứng trong Top đầu. Đặc biệt, nếu so sánh lực lượng làm báo thì tôi thấy tuy ít nhưng rất tinh nhuệ, chất lượng, đa năng. Các báo điện tử thiên về giải trí, xã hội khác họ có số lượng nhân sự lớn hơn rất nhiều lần.

Tuy nhiên, Báo điện tử ANTĐ cũng nên mở rộng đầu tư vào các phương pháp sản xuất mới và tăng cường thêm lực lượng kế cận am hiểu công nghệ, mạng, kiến thức truyền thông mới, từ các kỹ năng khai thác mạng xã hội, phần mềm, công cụ, thiết bị làm báo hiện đại để có thể nhanh chóng áp dụng vào việc làm tin bài nhanh hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn cho bạn đọc.

- Là người nổi tiếng với những ý tưởng độc đáo mang lại hiệu quả bất ngờ trong báo chí, truyền thông, ông có thể gợi mở cụ thể hơn cho Báo điện tử ANTĐ?

- Theo tôi, Báo điện tử ANTĐ cũng nên chuyên sâu vào việc đưa thông tin định hướng, cảnh báo người dân trên mạng xã hội phân biệt các thông tin giả gây thất thiệt hoặc cảnh báo tội phạm, an toàn thông tin... cho xã hội. Báo nên thành lập tổ chuyên môn về việc này và cần những người đủ trình độ, tâm huyết, cũng như mua sắm, trang bị thêm các công cụ chuyên nghiệp để thực hiện.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Báo ANTĐ xuất bản số đầu tiên, với tư cách độc giả cũng như một cộng tác viên, xin chúc Báo ANTĐ luôn giữ vững và phát huy 40 năm truyền thống vẻ vang, luôn là cơ quan ngôn luận đưa được thông tin của của ngành công an, của chính quyền đến với đông đảo người dân. Đồng thời là cầu nối chuyển tải thông tin từ người dân đến với các cơ quan chức năng. Qua đó, góp phần bảo vệ an ninh và an toàn cho người dân Thủ đô và cả nước, cũng như thắt chặt tình cảm tốt đẹp giữa người dân với các cán bộ chiến sĩ công an.

- Xin cảm ơn ông.