Bảo đảm phòng, chống dịch để du lịch nội địa khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau thời gian “ngủ đông” do dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), du lịch nội địa đang khởi sắc trở lại. Nhưng để du lịch nội địa thực sự trở thành động lực khôi phục toàn ngành du lịch, thì việc bảo đảm an toàn cho du khách là yêu cầu có tính quyết định.
Bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch tại các địa điểm thăm quan, du lịch

Bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch tại các địa điểm thăm quan, du lịch

Khách nội địa đang giúp thị trường du lịch ấm lại

Theo Tổ chức du lịch thế giới (WTO), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2020 đã sụt giảm từ 60% đến 80%, tác động tới hơn 100 triệu việc làm du lịch trực tiếp trên toàn thế giới. Riêng với Việt Nam, dịch bệnh khiến du lịch chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế. Thất thu của ngành này trong năm 2020 khoảng 23 tỷ USD do lượng khách quốc tế giảm 80%, lượng khách trong nước cũng giảm gần 50% so với năm 2019.

Tuy nhiên thời gian gần đây, du lịch nội địa đang dần phục hồi. Nhiều địa điểm du lịch lớn như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Ninh Bình... chứng kiến du khách trở lại. Thậm chí một số địa danh nổi tiếng có xu hướng quá tải. Tuy lượng khách nội địa chưa thể bù đắp được nguồn thu từ lượng khách quốc tế nhưng cũng giúp làm ấm thị trường du lịch Việt Nam, giải quyết một phần khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành.

Tín hiệu tích cực này cho thấy nhu cầu tham quan du lịch của khách nội địa đang tăng lên. Trong khi đó, tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn. Trước thời điểm dịch bùng phát, du lịch Việt Nam đón và phục vụ trên 100 triệu lượt khách trong nước và trên 18 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp 9,2% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm và thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, giành được nhiều giải thưởng quốc tế có uy tín về du lịch như du lịch di sản số 1 thế giới, du lịch ẩm thực số 1 thế giới, du lịch golf số 1 châu Á…

Chính vì thế, kích cầu du lịch nội địa đang trở thành giải pháp thiết thực nhằm phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài đóng băng do Covid-19. Với du khách trong nước, đây là cơ hội để họ khám phá thêm những nét đẹp về thiên nhiên, văn hóa của Tổ quốc mình; bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; thưởng thức những dịch vụ cao cấp mà trong điều kiện bình thường phần nhiều là những người có thu nhập cao, khách ngoại quốc mới có điều kiện chi trả.

Còn với các cơ quan quản lý, đây là dịp để các cơ quan này rà soát lại những chủ trương, chính sách, định hướng phát triển, thay đổi cách nghĩ, cách làm, trong đó cần phải xác định du lịch nội địa là động lực cho ngành trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cần hoàn thiện, chau chuốt, nâng cấp để các sản phẩm của mình được nâng lên một bước, sẵn sàng cho bước phát triển mới khi thế giới mở cửa trở lại.

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp du lịch rất linh hoạt trong hoạt động. Chẳng hạn như cung cấp các combo du lịch bao gồm phương tiện di chuyển và nghỉ dưỡng ăn uống cùng với các khuyến mãi tặng kèm. Khi chọn sản phẩm này khách hàng được chủ động về thời gian và tự mình sắp xếp lộ trình tham quan. Dù chưa đến mùa cao điểm nhưng những combo hấp dẫn như Vinpearl Phú Quốc, nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn… đang được nhiều khách hàng ưa thích. Các hãng hàng không thì liên kết với khu nghỉ dưỡng và công ty du lịch, mang đến cho khách hàng những sản phẩm với giá thành ưu đãi hơn rất nhiều so với khi tách lẻ từng dịch vụ.

Sản phẩm du lịch an toàn trong dịch bệnh

Kích cầu du lịch nội địa đã trở thành yêu cầu để du lịch Việt Nam phục hồi, khẳng định vị thế, hoàn thiện và phát triển bền vững trên cơ sở cơ cấu lại thị trường khách hàng. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2021 ngành du lịch dự kiến sẽ khai thác và phục vụ 80 triệu khách du lịch nội địa với tổng doanh thu 377 nghìn tỷ đồng. Đây là mục tiêu khá cao mà muốn đạt được thì một trong những yếu tố có vai trò quyết định là phải bảo đảm an toàn cho du khách với dịch bệnh.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Ninh Bình năm 2021 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ rõ: “Chỉ cần một khâu, một cá nhân, một cơ sở, một khoảnh khắc chủ quan, buông lỏng là dịch bệnh có thể xuất hiện trong cộng đồng. Khi đó dù chúng ta có phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thật nhanh, thật hiệu quả thì du lịch cũng đã phải hứng chịu hậu quả rất lớn”.

Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL đã ban hành văn bản số 5050/BVHTTDL-VHCS đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Trước đó, Bộ VH-TT&DL cũng đã có Công văn số 4159/BVHTT-TCDL ngày 9-11-2020 hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 hàng ngày để kết nối với hệ thống an toàn Covid quốc gia.

Khi dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn thì yêu cầu trước hết với các doanh nghiệp du lịch là chỉ tổ chức đón khách khi bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì nỗ lực của riêng ngành du lịch, một doanh nghiệp lữ hành, một địa phương thôi chưa đủ. Nó đòi hỏi sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch, các địa phương và cả khách du lịch trong phòng chống dịch bệnh.

Một công ty lữ hành hay một địa phương… không thể cam kết cho một chuyến đi an toàn đối với du khách, bởi du lịch là sản phẩm liên ngành, liên vùng, có tính đặc thù, với nhiều loại hình dịch vụ, có điểm đi điểm đến, bởi vậy đòi hỏi trách nhiệm rất cao không chỉ của một đơn vị, một địa phương hay một ngành đơn lẻ. Chỉ với sự vào cuộc tích cực, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ngành y tế, cơ sở kinh doanh du lịch… thì mới hy vọng tạo ra sản phẩm và môi trường an toàn cho hoạt động du lịch.

Với các du khách, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế” tại các điểm du lịch, bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh, nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, địa điểm tổ chức lễ hội…

Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua một năm 2020 thiệt hại kép do Covid-19 và thiên tai lịch sử. Tuy nhiên, trong khó khăn, ngành du lịch đã tìm được khả năng kháng cự mà sức bật nội lực là nền tảng để ngành này vượt qua thách thức, phục hồi và phát triển.