Bảo đảm đưa đón người dân về quê chu đáo, an toàn giữa đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc một bộ phận người dân ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... có nhu cầu về quê sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là nhu cầu chính đáng. Vấn đề là cần phải tổ chức tốt việc đưa, đón người dân để bảo đảm an toàn và ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan.
Lực lượng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội hỗ trợ thức ăn, nước uống cho người dân trên đường về quê

Lực lượng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội hỗ trợ thức ăn, nước uống cho người dân trên đường về quê

Làm hết sức mình để bà con an toàn trên đường về quê

Theo báo cáo thống kê, những ngày qua, mỗi tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đã đón hàng chục nghìn người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... trở về. Nhiều đoàn người còn vượt hàng nghìn km về quê hương ở các tỉnh xa xôi phía Bắc. Phần lớn người dân tự phát về quê là lao động tự do, một phần nhỏ là công nhân.

Mặc dù, các tỉnh, thành phố đã cố gắng tổ chức đưa đón an toàn nhưng do số lượng người dân có nhu cầu về quê cùng một thời điểm quá lớn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa chủ động, nhịp nhàng nên đã gây ùn ứ tại các điểm kiểm soát dịch, nhiều người dân trong đó có cả người già, trẻ em đã gặp nhiều vất vả. Cá biệt có một số người dân quê ở rất xa nên dọc đường đi gặp nhiều rủi ro cho sức khỏe bản thân và có thể làm lây lan dịch bệnh.

Nguyện vọng hồi hương của người dân là chính đáng, có điều trong bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố còn khá phức tạp, làn sóng di dân tự phát đã đặt các địa phương vào thế khó. Ngăn cản, không tiếp nhận là sai luật và trái đạo lý, nhưng không kiểm soát thì dễ “vỡ trận” vì khả năng chăm lo mọi mặt của nhiều địa phương có hạn. Chính vì thế, ngày 7-10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Công điện 1314/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo.

Thực tế thì chưa có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương và các lực lượng, trong đó có Công an và Quân đội đã chủ động giúp đỡ, tạo điều kiện để những người có nguyện vọng có thể trở về quê sớm nhất, an toàn nhất. Các tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp… đã hỗ trợ bố trí các khu vực tiếp nhận ban đầu đảm bảo quy mô rộng rãi, giãn cách; phối hợp các ngành, tỉnh hỗ trợ người dân về y tế; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chăm lo đầy đủ, chu đáo về thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm. Đối với người lớn tuổi, trẻ em, người đau yếu còn được hỗ trợ cháo, súp, sữa…

Đặc biệt, lực lượng công an và quân đội đang làm hết sức mình để bảo đảm an toàn cho bà con trên đường về quê. Khuya 6-10, lực lượng CSGT đã dẫn đoàn xe máy của người dân chạy xuyên qua hầm đường bộ Hải Vân ra các tỉnh phía Bắc. Đây là lần đầu tiên đường hầm dài gần 10km này mở cửa cho xe máy lưu thông. Tại các chốt kiểm soát dịch trong thời gian chờ kết quả test nhanh Covid-19, bà con nhân dân đã được lực lượng CSGT hỗ trợ các nhu yếu phẩm như bánh ngọt, sữa để đảm bảo sức khỏe. Lực lượng chức năng cũng bố trí xe của các đoàn từ thiện, xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe phục vụ sửa chữa phòng trường hợp hỏng hóc đi cùng đoàn xe máy.

Công an TP Hà Nội thì tổ chức đón, dẫn an toàn đoàn người về quê qua các tuyến đường Thủ đô đến khi được tiếp nhận bởi cơ quan chức năng các tỉnh lân cận. Đoàn người sau khi khai báo y tế được cán bộ, chiến sĩ CSGT Đội 7, Công an TP Hà Nội hướng dẫn đi theo đoàn qua địa phận Thủ đô tới Quốc lộ 32, đảm bảo giữ khoảng cách, để về các tỉnh phía Bắc. Những người già, trẻ nhỏ mệt mỏi sau chuyến đường dài được đưa lên xe buýt, xe máy đưa lên xe tải của CSGT vận chuyển về điểm tiếp giáp với TP Hà Nội là cầu Trung Hà. Đại diện Công an TP Hà Nội cũng tổ chức tặng quà hỗ trợ người dân trên đường về quê.

Tại tỉnh miền núi phía Bắc Sơn La, Phòng CSGT Công an tỉnh đã hỗ trợ các suất ăn và xăng cho bà con. Một số công dân khi đến địa bàn tỉnh Sơn La không đủ sức khỏe, điều khiển phương tiện về tỉnh Điện Biên và Lai Châu đã được Phòng CSGT đã bố trí phương tiện để đưa công dân về tỉnh đảm bảo an toàn, sức khỏe.

Cần có chế độ, chính sách để giữ người lao động ở lại làm việc

Nhu cầu về quê của nhiều người dân sau thời gian dài giãn cách là chính đáng. Tuy nhiên, dù tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn phức tạp do dịch bệnh đã nhiễm sâu trong cộng đồng. Mặt khác, độ bao phủ vaccine tại nhiều địa phương khác còn thấp. Nếu để dịch bệnh lan rộng sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Qua xét nghiệm nhanh số người về quê, có khoảng từ 0,1 đến 0,2% số người bị mắc Covid-19. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất cao.

Chính vì thế, Công điện 1314/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra, vào. Một trong những việc cần làm là làm sao để bà con về quê có tổ chức, tránh tình trạng tự phát không kiểm soát. Mới đây, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã xin chủ trương để giúp đỡ đưa người dân về quê có tổ chức, an toàn hơn, trước mắt là với những người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người mất sức lao động... Bộ Tư lệnh thành phố sẽ phối hợp với Công an TP, Sở GTVT lo về thủ tục, phương tiện. Còn việc tổng hợp số lượng sẽ thông qua đường dây nóng của Bộ Tư lệnh thành phố và đơn đăng ký tại các quận, huyện. Sau đó, Bộ Tư lệnh thành phố sẽ tổng hợp và làm việc với các tỉnh để có phương án, kế hoạch đưa đón cụ thể, cách ly y tế theo yêu cầu của từng tỉnh.

Với số người dân về quê tự phát từ vùng có dịch, các tỉnh, thành phố có đoàn đi qua tổ chức đưa người dân di chuyển an toàn không để lây lan dịch bệnh, đồng thời thông báo cho tỉnh, thành phố nơi đoàn đến để chủ động tiến hành sàng lọc y tế, đưa đi cách ly, điều trị các trường hợp F0. Hiện nay, các địa phương có người dân trở về đều đã cho kích hoạt các khu cách ly tập trung và tính đến các phương án bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Các tỉnh, thành phố cũng lên kế hoạch tiêm vaccine cho số bà con trở về quê trên cơ sở số vaccine mà Bộ Y tế sẽ ưu tiên cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch về, đồng thời tăng cường xét nghiệm và điều trị các ca nhiễm Covid-19 được phát hiện.

Và điều không kém phần quan trọng là các tỉnh, thành phố, nhất là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai..., cần quan tâm động viên, có chế độ, chính sách để giữ chân người lao động ở lại làm việc chứ không về quê. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM, kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4, có ít nhất 20.000 lao động đã rời thành phố về quê. Tình hình này khiến các doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu hụt lao động khi dịch bệnh được khống chế và cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần thông qua mạng xã hội, điện thoại, thư điện tử… kêu gọi, công bố các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động để khuyến khích người lao động ở lại và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đồng thời chủ động phối hợp để tổ chức đón người lao động từ quê trở lại làm việc.