Báo chí phòng chống tham nhũng: pháp lý và đạo đức

ANTĐ - Sáng 15-10, Hội thảo về bảo vệ nguồn tin, pháp lý và đạo đức nhà báo đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo diễn ra trước thời điểm Quốc hội thảo luận, thông qua Dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN).

Hội thảo diễn ra trước thời điểm Quốc hội thảo luận, thông qua Dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN). Trong dự thảo luật này, đáng lưu ý là khoản 4, Điều 101 quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Các nhà tổ chức hy vọng Hội thảo góp tiếng nói vào dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng

Tại hội thảo, một nội dung quan trọng nhất được nhiều đại biểu bàn luận đó là sự mâu thuẫn giữa Dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Báo chí.

Theo đó, khoản 4, Điều 101 trong dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”, còn theo Điều 7 Luật Báo chí: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Để làm rõ hơn sự mâu thuẫn này, các đại biểu tại hội thảo cùng thảo luận, làm rõ thực trạng thực thi và thống nhất thực hiện Điều 7 Luật Báo chí, nhất là điều khoản cung cấp danh tính nguồn tin, phân tích tính hợp lý, hợp lệ của yêu cầu cung cấp thông tin tài liệu mà Điều 101 Dự thảo sửa đổi Luật PCTN đặt ra.

Cũng trong hội thảo, các chuyên gia pháp lý đã thảo luận về tác đông của dự thảo đối với người tố cáo, với hiệu quả PCTN của báo chí nếu được thực thi. Hội thảo cũng nhằm tăng nhận thức của các nhà báo, các đại biểu Quốc hội và xã hội về việc bảo vệ nguồn tin, bảo vệ người tố cáo tham nhũng thông qua báo chí.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu – Trưởng phòng Pháp luật chính sách Cục Báo chí, Bộ TT&TT đã tham luận với chủ đề“Vai trò của pháp luật về báo chí hỗ trợ hoạt động phòng chống tham nhũng”. Trong khi Luật sư Mai Lương Việt – Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt & Cộng sự, đề cập vấn đề “Tác động của Điều 101 Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đối với người tố cáo tham nhũng thông qua báo chí”. Cũng tại hội thảo này, TS Nguyễn Đình Lộc – nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định: “Bảo vệ nguồn tin vừa là pháp lý, vừa là đạo lý”.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu tham dự thống nhất quan điểm chưa đồng tình với quy định mới trong Điều 101 của Dự thảo sửa đổi Luật PCTN vì e ngại nguy cơ lạm quyền và hạn chế việc báo chí thực thi chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, đồng thời bày tỏ sự đồng thuận với việc Ban tổ chức hội thảo chuyển các nội dung đã thống nhất lên Quốc hội và Chính phủ đề nghị bỏ Khoản 4, điều 101 Dự thảo sửa đổi Luật PCTN; tiếp tục thực hiện nghiêm quy định tại điều 7 Luật Báo chí.