Báo chí góp phần tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến với dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngay từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát và đặc biệt là trong đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta nguy hiểm, báo chí cả nước đã chủ động vào cuộc một cách tích cực, trở thành một “binh chủng” quan trọng, đồng hành với các cấp chính quyền và ngành y tế như một lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch.
Các phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại bệnh viện chữa trị bệnh nhân nhiễm Covid-19

Các phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại bệnh viện chữa trị bệnh nhân nhiễm Covid-19

Sẵn sàng dấn thân, xông pha tại những “điểm nóng” dịch bệnh

Với một đại dịch thế kỷ như Covid-19, muốn giành chiến thắng thì phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng với sự tham gia chủ động của người dân. Chính trong nhiệm vụ quan trọng này, báo chí đã thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội, xây dựng niềm tin của nhân dân, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, yêu nước để cùng chung tay phòng, chống đại dịch thành công.

Trước hết, báo chí đã thông tin sớm, kịp thời tình hình dịch bệnh ngay khi nó xuất hiện, đồng thời cảnh báo khả năng lây nhiễm đến Việt Nam. Trong đợt dịch thứ tư, khi xuất hiện chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh và nguy hiểm hơn, báo chí đã có ngay những thông tin về tình hình lây nhiễm, cơ chế lây nhiễm, biện pháp phòng tránh, khả năng chữa trị… Đây là những thông tin rất có ý nghĩa bởi nó giúp người dân nâng cao hiểu biết và tự phòng tránh cho bản thân, gia đình, tránh hoang mang, rối loạn.

Để tạo sự đồng thuận trong xã hội, báo chí đã thông tin kịp thời, chính xác các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các giải pháp chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia với phương châm xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”; người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện…

Để có những thông tin, hình ảnh chân thực, sống động, phong phú về cuộc chiến với dịch bệnh, các phóng viên, nhà báo ở cả Trung ương và địa phương đã không ngại dấn thân để thực hiện nhiệm vụ. Nhiều phóng viên, nhà báo đã xông pha ở những “điểm nóng” như các bệnh viện, khu cách ly, các chốt phòng dịch trên biên giới… trong tâm thế của những “phóng viên chiến trường”. Đã có trường hợp nhà báo bị nhiễm Covid-19 nhưng mối nguy hiểm đó cũng không thể ngăn cản những người làm báo tiếp tục dấn thân.

Chính sự phản ánh kịp thời của báo chí về những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động phòng, chống dịch, cùng những nỗ lực và cả sự hy sinh của lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như các y bác sĩ, lực lượng vũ trang, nhân viên phục vụ ở các điểm cách ly… đã khơi dậy sự đoàn kết, nhất trí, tinh thần tương thân, tương ái trong toàn xã hội, tạo ra những nguồn lực mạnh mẽ cả về tinh thần và vật chất để đất nước vượt qua cơn thử thách đại dịch. Báo chí không chỉ đưa ra những hình ảnh tốt đẹp về công tác phòng chống dịch bệnh, mà còn tạo ra sức mạnh tổng thể, sức mạnh đoàn kết trong nhân dân”.

Tham gia phòng, chống dịch nhưng báo chí không quên nhiệm vụ trong “mục tiêu kép” là phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát, báo chí đã kịp thời bám sát các lĩnh vực đời sống xã hội, phản ánh những mô hình, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa nền kinh tế phục hồi sau dịch. Đặc biệt, hình ảnh Việt Nam quyết liệt trong chống dịch, kiên trì trong nỗ lực phục hồi kinh tế mà báo chí chuyển tải đến thế giới đã góp phần duy trì và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế với Việt Nam.

“Vaccine tư tưởng, tinh thần” góp phần vô hiệu hóa “virus tin giả”

Đại dịch Covid-19 không chỉ tạo ra thách thức về y tế mà còn là cơ hội để các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, các phần tử chống đối lợi dụng để chống phá. Chúng liên tục tung ra hàng loạt tin bài xấu, độc, sai sự thật xung quanh dịch bệnh. Mục đích là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Trên nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… mà các thế lực này tạo ra, có thể bắt gặp đủ loại thông tin bịa đặt. Chẳng hạn, khi đợt dịch thứ tư bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, các đối tượng tung tin giả đã xoáy sâu vào nỗi lo lắng, sợ hãi, bất an của người dân bằng thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh kèm theo những thông tin sai sự thật như “xác người chết vì Covid-19 chất đầy trong phòng” hay “người dân tự thiêu để phản đối công tác phòng, chống dịch”…

Không ít trường hợp vì tin giả mà có người dân đã tích trữ lương thực, thực phẩm tạo ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa tại nhiều địa phương. Những thông tin không đúng sự thật còn làm người dân hiểu sai chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ đó, làm giảm sự đồng thuận trong xã hội, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch cũng như cản trở việc khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết toàn dân trong “cuộc chiến” với Covid-19.

Trong vai trò góp phần định hướng thông tin, dư luận xã hội, báo chí đã kịp thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, các phần tử chống đối đang lợi dụng dịch bệnh để chống phá Việt Nam. Việc báo chí nhanh chóng có các thông tin chính thống, được kiểm chứng để đưa đến người dân một cách kịp thời nhất trong thời gian qua đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội với chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống dịch. Sức mạnh truyền thông, báo chí đã trở thành “vaccine tư tưởng, tinh thần” quan trọng, góp phần vô hiệu hóa “virus tin giả” một cách hiệu quả.

Báo chí chính thống đã thực sự là người lính xung kích trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19. Nhìn nhận về vai trò này của báo chí, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong suốt một năm rưỡi qua, từ khi đại dịch xảy ra, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào, đồng chí cả nước đều thấy rõ vai trò rất quan trọng, không thể thiếu của báo chí trên mặt trận phòng, chống dịch. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2020, đồng chí Võ Văn Thưởng, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thì khẳng định: “cùng với hệ thống chính trị, lực lượng báo chí đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, chủ động ứng phó linh hoạt, sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền; càng khó khăn, càng thách thức, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, sứ mệnh vẻ vang của người làm báo càng được thể hiện rõ nét”.