Báo cáo Chính phủ vụ nước sông Đáy tại Hà Nam nổi bọt như xà phòng

ANTD.VN - Những ngày gần đây, nước sông Đáy, sông Nhuệ đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Hà Nam bốc mùi hôi thối, nổi bọt  trắng xóa như bị đổ xà phòng giặt vào.

"Sông tuyết" ở Hà Nam bốc mùi hôi thối, ô nhiễm

Theo phản ánh của người dân xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam), gần đây, khu vực này được trạm bơm Chợ Lượng bơm nước đổ ải cho vụ Đông Xuân từ sông Đáy, sông Nhuệ. Đáng chú ý, nước từ trạm bơm xả ra nổi bọt trắng xóa như bị đổ xà phòng giặt và bốc mùi hôi thối. Thậm chí, bọt trắng còn bay cả vào nhà dân ở gần khu vực xả nước.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), đây là vấn đề lớn, không chỉ xảy ra ở Hà Nam mà nhiều địa phương tại khu vực phía Bắc nên sẽ có báo cáo lên lãnh đạo Bộ NN&PTNT để Bộ có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lê Văn Hòa – Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Hà Nam cho biết: "Một số công nhân sức khỏe yếu phải trực 24/24h đã bị ngất xỉu vì mùi nước từ sông Đáy bơm lên. Tình trạng ô nhiễm nước có từ hàng chục năm nay nhưng không hiểu sao năm nay mức độ ô nhiễm lại nghiêm trọng hơn các năm khác".

Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty TMHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam, nếu ngừng bơm nước, 32.000ha lúa của người dân sẽ bị ảnh hưởng nên các cơ quan chức năng cần điều chỉnh lịch lấy nước cho Hà Nam thêm thời gian để phục vụ cho người dân gieo cấy.

Ông Nguyễn Quốc Đạt-  Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nam cho biết, năm nay, toàn tỉnh gieo cấy vụ Đông Xuân 2018 khoảng 32.000ha và hơn 6.300ha cây rau, màu nhưng lượng nước phục vụ cho nông nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào nước từ sông Đáy, sông Nhuệ.

“Nước bị ô nhiễm thì chất lượng sản phẩm nông nghiệp của nông dân sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi muốn đề nghị tạm dừng không bơm nước để có cơ sở báo cáo với UBND tỉnh và từ đó tỉnh có báo cáo lên Trung ương”- ông Nguyễn Quốc Đạt cho hay. 

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam, từ năm 2012, Nhà nước đã có Đề án xử lý nước khu vực sông Nhuệ, sông Đáy nhưng do chưa có kinh phí để triển khai nên tới nay tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Về lâu dài, chúng tôi cũng kiến nghị phải làm ngay cống và đập khu Liên Mạc để ngăn lại nguồn nước ô nhiễm, xử lý trước khi đồ về hệ thống sông Nhuệ. Đồng thời, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, kiểm tra các nguồn xả thải ra sông để kiểm soát từ đầu nguồn”- lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nam cho hay.

Trước đó, ngày 10-1, UBND tỉnh Hà Nam đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước. Theo đó, hàm lượng amoni  tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có nơi vượt quá tới 96 lần cho phép, riêng khu vực được ví là “sông tuyết”, đoạn chảy qua trạm thủy lợi Chợ Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam cũng vượt trên 70,3 lần cho phép.

Nồng độ oxy hòa tan có nơi nhỏ hơn 2,5 lần, có nơi nhỏ hơn 1,6 lần giới hạn cho phép. Nước sông bị ô nhiễm ở cấp độ rất nghiêm trọng nên UBND tỉnh Hà Nam đã đề nghị tạm dừng bơm nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân của bà con nông dân và kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương có giải pháp hỗ trợ khắc phục.