“Bảo bối” dần mất thiêng

ANTĐ - Luật bảo mật thông tin về khách hàng vốn được xem là thứ “bảo bối” giúp các ngân hàng Thuỵ Sĩ trở thành “thiên đường tài chính” đang dần mất thiêng trước áp lực của Mỹ và EU.

Hạ viện Thụy Sĩ bác bỏ dự Luật Lex USA ngày 18-6

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 28-8 cho biết các ngân hàng nước này sẵn sàng bị phạt để giải quyết tranh chấp trốn thuế với Mỹ theo các điều khoản của một thỏa thuận vừa được Chính phủ Thụy Sĩ “bật đèn xanh”. Cả Chính phủ và Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ (SBA), vốn không đồng tình với việc tiết lộ thông tin khách hàng, cùng cho rằng thỏa thuận này sẽ dàn xếp ổn thỏa “với sự hài lòng của tất cả các bên” mà không vi phạm pháp luật của Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, Chính phủ Thuỵ Sĩ cũng như SBA đều chưa tiết lộ “số tiền phạt khổng lồ” là bao nhiêu bởi các chi tiết chính thức của thỏa thuận sẽ chỉ được công bố sau khi Mỹ đặt bút ký. Trước đó, ngân hàng lớn của Thuỵ Sĩ là UBS đã phải chấp nhận khoản tiền phạt tới 780 triệu USD vào năm 2009 để đổi lấy việc không bị truy tố ra toà án Mỹ về tội trốn thuế.

Dù có phải trả số tiền phạt khổng lồ, song thoả thuận mới đây vẫn được xem là giải pháp thoả hiệp bước đầu giữa các ngân hàng Thuỵ Sĩ với Mỹ trong vấn đề trốn thuế. Mỹ là một trong những quốc gia mạnh mẽ nhất cáo buộc các ngân hàng Thuỵ Sĩ “tiếp tay” cho trốn thuế và đòi phải huỷ bỏ quy định giữ bí mật tuyệt đối để thông tin về khách hàng nhằm tạo điều kiện cho việc chống gian lận thuế.

Chống trốn thuế vốn là vấn đề đau đầu và nan giải với Chính phủ Mỹ cũng như các chính phủ trên thế giới, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách giảm do khủng hoảng kinh tế-tài chính. Kết quả điều tra của tờ “Nhật báo Phố Wall” công bố trung tuần tháng 3 cho thấy, chỉ riêng 60 tập đoàn và công ty lớn của Mỹ được điều tra đã có tổng cộng 166 tỷ USD lợi nhuận gửi tại các ngân hàng nước ngoài trong năm 2012 và con số này trong 10 năm qua có thể lên tới 1.000 tỷ USD. 

Với mức thuế tới 40% lợi nhuận hàng năm thì số tiền mà các công ty Mỹ trốn thuế khi gửi tiền ở nước ngoài là rất lớn. Trước thực trạng này, chính quyền Mỹ đã áp dụng các biện pháp để ngăn chặn các lỗ hổng trong bộ luật thuế nhằm tăng nguồn thu ngân sách, giảm mức thâm hụt đã liên tiếp vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD/năm suốt 4 năm qua. 

Trong khi đó, các ngân hàng Thuỵ Sĩ với chính sách bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng đã trở thành “thiên đường tài chính“ hàng trăm năm nay và hiện thu hút tới 2.800 tỷ USD tiền gửi mỗi năm trên khắp thế giới. Xác định các ngân hàng Thuỵ Sĩ là “điểm đến” của khoản thu nhập trốn thuế của các công ty và cá nhân mang quốc tịch Mỹ, Washington đã gây áp lực mạnh mẽ đòi các ngân hàng Thuỵ Sĩ phải phá vỡ “luật vàng”, công bố thông tin khách hàng để giúp chống trốn thuế.

Trước sức ép của Mỹ, Thượng viện Thuỵ Sĩ đã bỏ phiếu thông qua dự luật “Lex USA” cho phép các ngân hàng nước này tiết lộ thông tin danh tính khách hàng với giới chức Mỹ. Song dự luật này đã bị Hạ viện Thuỵ Sĩ bác bỏ ngày 18-6 vừa qua do lo ngại sẽ làm “mất thiêng” thứ “bảo bối” đã làm nên “thiên đường tài chính” Thuỵ Sĩ hàng trăm năm nay.

Tuy nhiên, giới tài chính quốc tế cho rằng, cuối cùng các ngân hàng Thuỵ Sĩ cũng sẽ phải khuất phục, buộc phải công bố thông tin khách hàng, bởi ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang gây áp lực rất lớn về vấn đề này.