Báo An ninh Thủ đô - cầu nối của những nghĩa cử

ANTD.VN - Tôi cứ lần lữa mãi khi viết về câu chuyện này, bởi đây là một chuyện đã cũ, cũ đến mức tôi cũng không dám chắc những bạn đọc từng đồng hành với Báo An ninh Thủ đô trong công tác xã hội từ thiện còn nhớ nổi... 

Có thể rất nhiều độc giả sau những nghĩa cử của mình cũng đã quên rằng, họ vừa cứu sống một mạng người. Cũng có bạn đọc coi việc giúp đỡ những người sắp chết là lẽ đương nhiên phải thế.

Dù sao thì phần kết của câu chuyện năm ấy cũng kết thúc có hậu. Tôi muốn nhắc lại chỉ với một lý do duy nhất, những việc làm của chúng ta đã giúp thức tỉnh lòng trắc ẩn của nhiều người. 

Bé Thơ tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2008

Ngấp nghé cửa tử

Đúng rằm Trung thu năm 2008, Báo An ninh Thủ đô nhận được lời cầu cứu giúp đỡ từ Tiến sỹ Đinh Thị Thu Hương - Viện phó Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Đó là trường hợp cậu bé mới 18 tuổi là Nguyễn Gia Tự đưa em gái 14 tuổi là Nguyễn Thị Thơ, quê ở xóm Nghi Lộc, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) vào viện để chữa trị căn bệnh tim bẩm sinh.

Bác sỹ Hương bảo, bà làm việc trong ngành Y đã mấy chục năm, nhưng chưa từng gặp trường hợp nào khổ đến thế. Thường nghèo mấy thì nghèo, trẻ con đi khám bao giờ cũng phải có người lớn đi kèm. Nhưng tình huống này lạ, một thằng anh vắt mũi chưa sạch lại dám “hộ tống” đưa em đi nằm viện.

Mà nào có phải hắt hơi sổ mũi cho cam, bệnh nặng chết đến nơi mà cả 2 đứa cứ ngơ ngơ ngác ngác. Đến khi hỏi rõ căn nguyên, bà Hương sốc thực sự. Sốc không phải vì căn bệnh đã cực kỳ nguy cấp mà bởi sự khốn cùng của anh em Thơ, Tự đã phải bươn chải suốt mấy năm trời.

Bố Thơ mất từ năm 2004, mẹ mắc bệnh tâm thần bỏ nhà đi mất tích đã mấy năm trời để lại 3 anh em lốc nhốc trứng gà, trứng vịt tự nuôi nhau. Thơ bị bệnh tim từ bé, nhưng cảnh quê nghèo khó, lại chẳng nơi nương tựa nên cô bé không được ai quan tâm chữa trị. Năm 16 tuổi, Tự bỏ lên Hà Nội đi làm thợ phụ kiếm tiền nuôi em, cho đến một ngày, hàng xóm dưới quê gọi điện giục về ngay để “đưa em mày đi viện không nó chết đến nơi rồi”.

Tự về đưa em lên bệnh viện huyện thì người ta bảo, bệnh này ở đây không chữa được. Cu cậu đưa em lên tỉnh, nhưng các bác sỹ ở đây cũng lắc đầu, thế là 2 anh em dắt díu nhau lên Hà Nội. Vào đến Bệnh viện Bạch Mai, trong túi Tự chỉ còn 100 nghìn đồng. Chỉ đến khi bệnh viện yêu cầu ký quỹ 2 triệu đồng (theo quy định đối với bệnh nhân không có BHYT), thấy cảnh đứa trẻ lóng ngóng, các bác sỹ hỏi thì mới rõ ngọn ngành câu chuyện.

Lúc đó thì bệnh của Thơ đã nặng lắm rồi, chứng “Fallot 4” kéo dài nhiều năm khiến hồng cầu tự sản sinh và gây tắc toàn bộ mạch máu vùng bụng. Nếu không được phẫu thuật ngay thì Thơ sẽ tử vong vì tai biến hoặc áp xe não. Khổ nỗi, một ca phẫu thuật tại thời điểm đó cũng tốn ít nhất 50 triệu đồng.

Với nhiều người, đây không phải là số tiền quá lớn, nhưng với 2 anh em Tự thì đó là ngọn núi cao vời vợi mà khả năng của chúng không bao giờ với tới được. Chúng tôi đã chuyển toàn bộ câu chuyện này lên mặt báo và ngay sau đó, bạn đọc Báo An ninh Thủ đô đã chung tay đóng góp kinh phí giúp Thơ có được ca mổ kịp thời.

Sau ca mổ, Thơ trở về và tiếp tục đi học (ảnh chụp năm 2012)

Mối nhân duyên đặc biệt

Câu chuyện xảy ra cách đây đã gần chục năm, có thể nhiều bạn đọc góp tiền cho Thơ ngày ấy đã không còn nhớ. Nhưng cô bé thì chẳng thể nào quên. Thơ bảo: “Cháu nợ Báo An ninh Thủ đô, nợ tất cả bạn đọc của báo cả cuộc đời này. Nếu không có các cô, các chú, có lẽ cháu sẽ mãi mãi 14 tuổi”.

Trong suốt thời gian Báo An ninh Thủ đô thực hiện “chiến dịch” quyên góp tiền cho Thơ chữa bệnh, tôi đã chạy đi chạy lại giữa tòa soạn và Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tim Hà Nội như con thoi để trao tiền, theo dõi và cập nhật tin tức của cô bé tới bạn đọc.

Ngày Thơ được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai sang Bệnh viện Tim Hà Nội để thực hiện ca phẫu thuật, tôi năn nỉ bác sỹ Nguyễn Minh Đạo - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tim Hà Nội cho được vào túc trực trong phòng mổ với lý do cần chụp ảnh, đưa tin.

Kỳ thực, khi các bác sỹ bắt đầu tiến hành gây mê lúc 9h sáng 29-9-2008, tự nhiên tôi có một nỗi sợ hãi mơ hồ… nhỡ đâu… Chúng tôi muốn, nếu chẳng may ca mổ có vấn đề gì thì Báo An ninh Thủ đô - với tư cách là người bảo hộ - sẽ chiến đấu bên cạnh em để giành sự sống tới giây phút cuối cùng.

Chỉ tới lúc bác sỹ Nguyễn Văn Mão, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - người trực tiếp cầm dao mổ - nở nụ cười và bước ra khỏi khu phẫu thuật, tôi mới thở phào. Ca mổ ấy kéo dài 5 giờ, nhiều hơn dự kiến 2 tiếng đồng hồ và 1 tháng sau, Thơ xuất viện.

Bé Thơ ngày ấy giờ đã tốt nghiệp đại học

Câu chuyện của tôi lẽ ra đến đây là chấm dứt. Tôi đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình là làm chiếc cầu nối để đưa tấm lòng của bạn đọc tới với cô bé. Nhưng rồi, chúng tôi vẫn dõi theo bước chân cô bé. 4 năm sau, Thơ bất ngờ khi thấy Báo An ninh Thủ đô ghé thăm lại căn nhà của em bên dòng sông Đáy.

Lúc đó Thơ đã chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3, “con mèo hen” của tôi năm nào cứ nhất định không cho tôi dùng từ “con bé” để gọi mình nữa bởi “cháu đã lớn sắp thành sinh viên rồi đấy”. Nhìn cô bé ngày càng ra dáng một thiếu nữ, tôi lại nghĩ đến lời ông Nguyễn Tất Việt (chú ruột của Thơ, năm ấy đã 72 tuổi) khi xuống thăm cháu sau ca mổ: “Nếu không có các chú, con bé đã nằm ở nhà xác Bệnh viện Bạch Mai rồi”.

Càng nhớ đến câu nói “cháu sẽ về bán nhà” của Tự khi được hỏi làm cách nào có 50 triệu cho Thơ phẫu thuật? Căn nhà xiêu vẹo ấy nào có gì đáng giá ngoài mấy mảnh ván kê làm giường, mái thủng lỗ chỗ và chẳng có nổi chiếc cánh cửa. Chúng ta có thiếu 50 triệu đồng để một đứa trẻ như Thơ và có khi còn bé dại hơn cả Thơ phải chết chỉ vì không có nổi số tiền ấy? Dù sao, chúng ta cũng đã cứu được cô bé.

Và hơn cả, sau lần vận động ấy đã khiến các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức của địa phương cũng xắn tay vào cuộc. Đó là việc đương nhiên bởi chẳng ai muốn bị so bì rằng, người tận đâu còn chung tay góp sức cứu giúp cô bé, nói gì đến những người cùng xã, cùng huyện.

Bây giờ thì Thơ đã học xong đại học. Cách đây 1 tháng, Thơ gọi điện cho tôi: “Chú ơi, cháu tốt nghiệp rồi, nhưng chưa có việc làm. Chú là nhà báo, có quen biết ở đâu thì xin cho cháu nhé”. Tôi vẫn canh cánh bên mình lời nhờ cậy ấy thì mới đây cô bé lại thông báo: “Cháu tìm được việc làm rồi. Lương khởi điểm 4 triệu đồng, tuy xa, nhưng cháu đi xe buýt cũng được. Khi nào tiết kiệm được tiền, cháu sẽ mua xe máy”.

Tôi nghĩ bụng, Thơ đã không phụ lòng của tất cả những người đã chung tay cứu em năm nào. Sau ca mổ cho Thơ, đã có nhiều quỹ từ thiện để chữa trị bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em được thành lập, điều mà trước đó không nhiều người nghĩ đến. Có một ngọn lửa yêu thương đã được thắp lên mà khởi đầu từ những số phận bất hạnh đến thắt lòng.