Bangladesh: Giáo sư bị giết chết bằng dao phay trên đường đi dạy

ANTĐ - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công giết chết một giáo sư dạy tiếng Anh tại Bangladesh. Vụ việc đang gây ra làn sóng phẫn nộ tại quốc gia này.

Hôm 23-4, giáo sư Karim Rezaul Siddique, 58 tuổi đã bị tấn công từ phía sau bằng dao phay, khi ông đang đi bộ từ nhà mình đến một trạm xe bus ở phía tây thành phố Rajshahi, để đến trường đại học giảng dạy.

Sau kết quả khám nghiệm tử thi, một thành viên lực lượng cảnh sát thành phố Rajshahi, Mohammad Shamsuddin cho biết, “Cổ của nạn nhân bị cắt ít nhất 3 lần, khoảng 70-80% đã bị cắt đứt. Thông qua những biểu hiện của cuộc tấn công, chúng tôi nghi ngờ nó do một nhóm cực đoan thực hiện nhắm đến các nhà hoạt động thế tục và vô thần”.

Hiện trường vụ tấn công giết chết giáo sư của Đại học Rajshahi  

Nahidul Islam, một viên cảnh sát khác nói rằng, nạn nhân là giáo sư thứ 4 của Đại học Rajshahi  bị giết chết trong thời gian qua. Trước đó, trong tháng 2-2016, một tòa án Bangladesh cũng xét xử hai chiến binh Hồi giáo vì giết chết giáo sư Mohammad Yunus.

Nguồn tin từ cảnh sát nói rằng giáo sư Siddique đã tham gia vào các chương trình văn hóa và thành lập một trường học về âm nhạc tại Bagmara, khu vực từng là căn cứ cũ của phiến quân Hồi giáo cực đoan Jamayetul Mujahideen Bangladesh (JMB).

Cái chết bất ngờ của giáo sư Siddique khiến nhiều người cảm thấy bàng hoàng. Ông Sajidul Karim Siddique, anh của nạn nhân cho biết ông Siddique là một người đàn ông điềm đạm và đơn giản, ông tập trung vào nghiên cứu giảng dạy và không hề có bất cứ mối thù hằn nào với ai. Sau vụ việc, nhiều sinh viên và giảng viên của trường Đại học Rajshahi đã xuống đường biểu tình, kêu gọi đưa kẻ sát nhân ra trước pháp luật.

Nạn nhân là giáo sư thứ 4 của Đại học Rajshahi bị giết chết trong thời gian qua

Những cuộc tấn công cực đoan tương tự như trên thường xuyên xảy ra tại Bangladesh trong những năm gần đây, mục tiêu chính nhằm vào các nhà hoạt động động thế tục và vô thần. Các cuộc tấn công đều có chung đặc điểm là kẻ tấn công đều giấu mặt, dùng dao phay và mã tấu đâm chém nạn nhân đến chết ngay nơi công cộng.

Các vụ giết người làm dấy lên sự phẫn nộ trong nước và ngoài nước, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã yêu cầu chính phủ Bangladesh bảo vệ tự do ngôn luận trong quốc gia của mình.

Dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hay Al- Qaeda nhiều lần lên tiếng nhận trách nhiệm cuộc tấn công tại Bangladesh nhưng giới chức nước này vẫn thường xuyên phủ nhận sự hoạt động của các nhóm cực đoan quốc tế  trong nước, thay vào đó, đổ lỗi cho các thành viên của lực lượng Hồi giáo cực đoan bị cấm trong nước Ansarullah Bangla Team (ABT).