Bangladesh chống chọi với tin giả về vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chính phủ Bangladesh đang nỗ lực chống lại những tin đồn giả khoa học được chia sẻ rộng rãi về vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, những tin này đang lan truyền trên mạng xã hội nhanh hơn sự thật.
Nhân viên y tế là nhóm đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 ở Bangladesh

Nhân viên y tế là nhóm đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 ở Bangladesh

Bangladesh đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng Covid-19 vào ngày 27-1-2021 với khoảng 500 nhân viên y tế đầu tiên được tiếp nhận 1 liều vaccine AstraZeneca trong 2 ngày. Sau khi nhóm này được giám sát, các đợt tiêm chủng trên toàn quốc sẽ bắt đầu từ ngày 7-2.

Quá trình Bangladesh chuẩn bị cho các trung tâm tiêm chủng trên khắp cả nước, tin đồn về vaccine đã bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội. Các quan chức y tế lo ngại điều này sẽ dẫn đến một số lượng lớn người dân không muốn tiêm vì mức độ hiểu biết của họ ở mức thấp, nhiều người dễ tin vào những tin đồn không có cơ sở khoa học.

Boom Bangladesh (đối tác bên thứ ba của Facebook ở Bangladesh) cho biết, chỉ trong tháng 1-2021, họ đã lật tẩy ít nhất 40 tuyên bố sai về vaccine và gắn cờ khoảng 1 triệu bài đăng trên Facebook lan truyền thông tin sai lệch. Qadaruddin Shishir - Trưởng nhóm của Boom Bangladesh cho hay, loại nội dung này đã tăng lên đáng kể trong tháng qua và họ đang gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin chính xác về vaccine.

Đơn cử, một học giả Hồi giáo nổi tiếng, người có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội, gần đây đã đăng một video trên Facebook tuyên bố rằng vaccine Covid-19 “chứa một vi mạch” cho phép “các nước phương Tây theo dõi con người”. Tuyên bố phi lý này đã lan truyền tới hàng nghìn người trước khi phản bác.

Hay như một người bán hàng rong ở thành phố nhỏ phía Đông Bangladesh cho biết, anh ta đọc được trên Facebook rằng vaccine do Chính phủ Bangladesh cung cấp có thể gây chết người vì đó mới chỉ là phiên bản thử nghiệm. Anh này nói “không tin tưởng” vào thông tin chính thức và từ chối tiêm chủng cho đến khi có vaccine “thực sự”. Người này cũng tiết lộ, anh ta cho rằng đó là loại vaccine đến từ Ấn Độ.

Bangladesh đã ghi nhận hơn 500.000 ca nhiễm Covid-19 và ít nhất 8.000 ca tử vong kể từ tháng 3-2020. Hiện họ đã nhập 7 triệu liều vaccine Oxford-AstraZeneca được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ. Đây không phải là phiên bản thử nghiệm và nó đã được chấp thuận sử dụng ở Anh. Bangladesh dự kiến sẽ nhận thêm 25 triệu liều vào tuần tới và đang đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác như BioNTech-Pfizer để đảm bảo nguồn cung nhiều hơn trong những tháng tới. Các quan chức Bộ Y tế cho biết, họ đã đào tạo 42.000 nhân viên cho chiến dịch tiêm chủng.

Tuy nhiên, nhiều người Bangladesh nghèo dễ tin vào các thông tin không xác thực nên cảnh giác với việc tiêm vaccine. Một nghiên cứu gần đây do Đại học Dhaka thực hiện cho thấy, 16% người dân ở Bangladesh sẽ không tiêm vaccine Covid-19. Shafiun Nahin Shimul - một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, những tin đồn trên mạng xã hội đang góp phần vào sự hoài nghi của mọi người về tính an toàn, hiệu quả và tiêu chuẩn sản xuất của vaccine.

Trước thực trạng này, chính phủ đang cố gắng tuyên truyền về tầm quan trọng của vaccine trong việc chống lại đại dịch bằng cách quảng cáo trên truyền hình và báo chí. Mặc dù vậy, chuyên gia kiểm chứng thực tế Shishir cho rằng, vì mọi người đang tỏ ra thiếu tin tưởng vào vaccine nên cần một chiến dịch lớn để khôi phục niềm tin của dân chúng.

Ông Muhammad Zakaria - Phó giáo sư truyền thông tại Đại học Chittagong nhận định, những cải tiến mới trong chăm sóc sức khỏe sẽ là câu trả lời, nhưng để mọi người tránh xa tin tức giả mạo và thông tin sai lệch về vaccine thì cần thời gian và nỗ lực thêm.