Bangkok “nín thở” theo đỉnh triều cường

ANTĐ - Theo dõi liên tục nước sông Chao Phraya khi triều cường đạt đỉnh vào hôm nay, Bangkok đang tìm mọi cách để tháo nước đồng thời chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Lũ lụt kéo dài khiến cuộc sống người dân Bangkok lao đao

Hôm nay, nước sông Chao Phraya đạt đỉnh khi cao 2,47m so với mặt biển, nhưng dự báo triều cường sẽ khiến tình hình trầm trọng thêm khi mực nước sông có thể tiếp tục tăng lên, từ 2,6 đến 2,65m từ thứ bảy đến thứ hai tuần tới. Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra hôm qua cho biết, 13 quận bên bờ sông Chao Phraya đang “nín thở” theo dõi tình hình mực nước và sẵn sàng sơ tán khẩn cấp. Trong kịch bản tồi tệ nhất, Bangkok sẽ ngập trong nước từ 15 đến 30 ngày, và ở tình huống xấu nhất này, Bộ chỉ huy ứng phó lũ lụt (Froc) đã chuẩn bị lều trại tại 9 tỉnh lân cận để người dân Bangkok sơ tán.

Cùng ngày, một nhóm kỹ sư và chuyên gia về thủy lợi đã đề nghị Thủ tướng Yingluck Shinawatra xem xét cho phá một số đại lộ chính ở ngoại ô phía đông Bangkok, để nước lũ có đường rút. Tuy nhiên bà Yingluck đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Giao thông vận tải Sukampol Suwannathat đi thị sát tình hình rồi mới đưa ra quyết định. Sau khi thị sát bằng trực thăng đến khu vực phía đông Bangkok, cho đến tối qua, Bộ trưởng Sukampol khẳng định không cần thiết phải đào đường làm mương khơi dòng nước bởi cả 5 đại lộ đều không thể khơi dòng chảy.

Trước đó, ngày 27-10, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Thái Lan Thanathip Sawangsaeng cho biết quân đội Thái Lan dự kiến triển khai thêm khoảng 50.000 binh sỹ, 1.000 xe quân sự và 1.000 tàu thuyền để ngăn lũ ở Bangkok và các tỉnh lân cận. Nếu lũ lụt đổ bộ vào những khu vực quan trọng thì phải đảm bảo được thông tin liên lạc, điện, nước và giao thông không được tắc nghẽn.

 Thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua của Thái Lan kéo dài khiến người dân lao đao đối mặt với nhiều mối đe dọa từ cá sấu xổng chuồng, rắn cắn hay điện giật. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cho biết nguy hiểm hàng đầu đối với người dân lúc này là chết đuối và bệnh tật. Các chuyên gia nói rằng ưu tiên số một hiện nay là duy trì tình hình vệ sinh sinh hoạt của người dân. Các cơ quan cứu trợ đang cố gắng cung cấp nước sạch và các thiết bị phòng tắm, bao gồm cả nhà vệ sinh nổi hay gập xếp, cho hàng vạn gia đình bị ảnh hưởng. “Mối quan tâm hàng đầu là các loại bệnh truyền nhiễm qua nước và bệnh truyền qua muỗi như sốt rét, sốt xuất huyết”- ông Matthew cảnh báo. Trong khi đó nhiều người dân Thái Lan không biết bơi, vì vậy nhiều nguyên nhân gây ra cái chết trong thảm họa này lại là chết đuối.

Công nhân Thái tạm sang Nhật làm việc

Chính phủ Nhật Bản ngày 28-10 quyết định cho phép các công nhân người Thái Lan làm việc tạm thời ở Nhật Bản, nhằm đảm bảo dây chuyền sản xuất của các công ty Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt trên diện rộng ở Thái Lan. Động thái trên được đưa ra sau khi các công ty Nhật Bản buộc phải đóng cửa nhà máy ở Thái Lan vì lũ lụt. Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, Osamu Fujimura cho biết, hàng nghìn công nhân Thái ở khoảng 30 công ty của Nhật, có khả năng được đưa sang nước này làm việc trong 6 tháng. The ông Fujimura, đây là “biện pháp cấp bách và tạm thời” do luật nhập cư của Nhật không cho phép người lao động chân tay nước ngoài làm việc tại nước này. Cũng theo quyết định này, các ông chủ người Nhật sẽ phải cam kết đưa các công nhân Thái về nước sau khi hết hạn.