Bằng mọi giá có vaccine Covid-19 nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tối 5-6-2021, Quỹ vaccine phòng Covid-19 sẽ chính thức ra mắt tại Hà Nội. Để sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này trở thành dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, đòi hỏi sự chung tay của mỗi người dân và của cả cộng đồng.

* Công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích Quỹ vaccine phòng Covid-19

Người dân tích cực ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19

Người dân tích cực ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19

Nguồn lực quan trọng để có được vaccine nhanh nhất, nhiều nhất

Quỹ vacine phòng Covid-19 ra đời nhằm kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, doanh nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ với tấm lòng và trách nhiệm vì sức khỏe mỗi người, vì cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc và với tinh thần đoàn kết quốc tế, chung tay đẩy lùi đại dịch ở mỗi quốc gia và trên toàn cầu.

Thực tế diễn biến các đợt dịch Covid-19 ở Việt Nam cho thấy, các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là nguyên tắc “5K” đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc kiểm soát, kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, đợt dịch mới hiện nay diễn biến rất phức tạp với sự xuất hiện của các chủng virus mới nguy hiểm hơn, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận cao trong các khu công nghiệp và tại cộng đồng. Nguy cơ tái bùng phát các đợt dịch trong tương lai vẫn tiềm ẩn.

Để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục mọi mặt hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, đưa đất nước vào giai đoạn bình thường mới, thì việc mở rộng tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn là giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất. Liên tiếp trong các cuộc họp về phòng, chống dịch trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên “mặt trận vaccine”. Đây là hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước. Trong tất cả các cuộc điện đàm, trong các cuộc làm việc với các đối tác nước ngoài, Thủ tướng cũng luôn nhất quán mục tiêu kêu gọi bằng mọi giá có vaccine nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân.

Làm sao tăng độ bao phủ tiêm vaccine cho người dân, nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm là mục tiêu lớn mà chúng ta đang phấn đấu. Để có thể tiêm chủng cho khoảng 75 triệu người nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 ngay trong năm 2021. Điều này đòi hỏi chi phí rất lớn, theo tính toán của Bộ Y tế là khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước là sẽ dùng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác thông qua xã hội hóa để mua vaccine. Theo dự kiến, ngân sách Trung ương sẽ bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn. Còn lại ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, mục tiêu của Việt Nam là đặt sức khỏe và sự an toàn của nhân dân lên trên hết, trước hết, dù có phải chấp nhận giá nào đi chăng nữa. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn tài chính còn hạn hẹp, việc bảo đảm nguồn lực để tất cả người dân Việt Nam được tiếp cận vaccine miễn phí là thách thức rất lớn. Chính vì thế, sự ra đời của Quỹ vaccine phòng Covid-19 sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho tất cả các địa phương, doanh nghiệp có điều kiện, có nguồn vaccine cùng tham gia, hoặc là huy động tiền đóng góp cho Quỹ, hoặc là trực tiếp nhập khẩu vaccine từ nguồn tin cậy. Nó cũng khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần “tương thân tương ái” trong khó khăn của con người Việt Nam, tạo điều kiện để chúng ta có được nguồn vaccine nhanh nhất, nhiều nhất, đóng góp vào công tác phòng, chống dịch.

Công khai, minh bạch các khoản thu, chi của Quỹ vaccine phòng Covid-19

Quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ đang nhân lên niềm tin về quyết tâm chống dịch và kỳ vọng sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh trong cả nước. Những ngày đầu tháng 6 này, chúng ta nhận được nhiều tin tích cực. Trong nhiều tháng qua, Bộ Y tế đã liên tục tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine phòng Covid-19, cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine. Kết quả là cho đến nay, tổng số vaccine Việt Nam đã đặt hàng là khoảng 150 triệu liều. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, từ tháng 8 trở đi, tất cả nguồn vaccine Việt Nam tiếp cận sẽ về nhiều.

Việc huy động cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 cũng thu được kết quả tích cực. Hầu như không có ngày nào, báo chí không đưa tin về các hoạt động ủng hộ của người dân, các cơ quan, doanh nghiệp cho Quỹ. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021, Bộ Tài chính cho biết, tới thời điểm hiện nay, Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã nhận được hơn 3 nghìn tỷ đồng đóng góp.

Vấn đề là làm sao quản lý, vận hành Quỹ hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch. Phát biểu tại Lễ phát động nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị các cơ quan có liên quan thực hiện công khai, minh bạch các khoản kinh phí thu được, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật để thiết thực phòng, chống dịch Covid-19.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 đã quy định Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, Kiểm toán Nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

Ngay sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai xây dựng để ban hành quy chế hoạt động của Quỹ và thiết lập bộ máy quản lý. Quỹ sẽ mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để các doanh nghiệp muốn đóng góp thì hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Còn hiện nay, các tổ chức và cá nhân có thể đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc hoặc Bộ Y tế, sau đó, các cơ quan sẽ phối hợp để chuyển các khoản đóng góp đó về Quỹ vaccine phòng Covid-19. Tất cả đều trên cơ sở tinh thần tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.

Bộ Tài chính cũng khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ và được sử dụng đúng mục đích, trong trường hợp cần thiết sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định. Theo dự kiến, số tiền huy động, danh sách người tài trợ, số tiền đã chi, số dư quỹ, sẽ được công khai trong báo cáo tài chính và được công bố trên trang web chính thức của Kho bạc nhà nước.