Bằng mọi giá bảo vệ “thành trì” tuyến đầu chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh xuất hiện các ổ dịch Covid-19 phức tạp tại các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K Trung ương, việc đảm bảo an toàn cho những “thành trì” tuyến cuối bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người dân lúc này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bằng mọi giá chúng ta phải bảo vệ, bảo đảm an toàn cho bệnh viện.
Tiến hành phun khử khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để đảm bảo an toàn cho bệnh viện tuyến cuối là thành trì chống dịch Covid-19

Tiến hành phun khử khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để đảm bảo an toàn cho bệnh viện tuyến cuối là thành trì chống dịch Covid-19

Dịch “tấn công” vào tuyến đầu

Chỉ trong hơn 10 ngày qua kể từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát (ngày 27-4 tới nay), cả nước đã ghi nhận gần 500 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) trong cộng đồng. Cùng với sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ khiến dịch lây lan nhanh hơn, trong đợt dịch này, dịch bệnh đã “tấn công” vào nhiều bệnh viện là những cơ sở y tế chăm sóc và điều trị để bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đợt dịch Covid-19 thứ tư này có 4 nguồn chính. Thứ nhất, là nguồn lây từ TP Đà Nẵng với 2 nhánh lây chính từ khu cách ly tập trung rồi về tỉnh Hà Nam lây ra cộng đồng; và lây từ một quán bar, một cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp lan ra nhiều tỉnh nhưng đến này đã cơ bản kiểm soát được. Nguồn thứ hai từ khu cách ly ở Yên Bái, lây nhiễm chéo trong các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc rồi lan xuống Vĩnh Phúc và một số tỉnh; về cơ bản cũng đã được kiểm soát. Nguồn thứ ba từ Hải Dương do một người nhập cảnh trái phép từ Lào về, hiện đang được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ. Nguồn thứ tư, đang “nóng” nhất, là từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 lan ra rất nhiều tỉnh; lây sang Bệnh viện K Trung ương rồi tiếp tục lan ra nhiều địa phương. Đến nay, chùm ca bệnh thông qua Bệnh viện K đã cơ bản được kiểm soát. Các ca lẫy nhiễm về các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… dù còn diễn biến phức tạp, thêm nhiều ca bệnh mới những dự kiến sẽ được kiểm soát cơ bản trong khoảng 3 đến 5 ngày tới.

Cùng với 2 bệnh viện tuyến cuối ở Trung ương trên, trong đợt dịch hiện nay hiện đã có thêm 8 bệnh viện khác trên cả nước đã phải tạm phong tỏa, cách ly y tế, tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân… vì phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2. Các bệnh viện này gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên bị phong tỏa do liên quan ổ dịch bar Sunny; Bệnh viện Phổi Lạng Sơn bị phong tỏa do tiếp nhận ca Covid-19; Bệnh viện Quân y 105 bị phong tỏa, cách ly hoàn toàn do ghi nhận trường hợp bác sĩ dương tính với SARS-CoV-2; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình bị cách ly y tế do có ca dương tính với SARS-CoV-2 tới khám; Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An) tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân do có F1 của các ca bệnh Covid-19 tới khám; Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP Đà Nẵng) bị cách ly do có ca bệnh Covid-19 tới điều trị ban đầu; Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng (Hà Nội) tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân do có ca dương tính SARS-CoV-2 tới xét nghiệm; Bệnh viện Quân y 7A (TP.HCM) cấm trại 100% do có ca test nhanh dương tính SARS-CoV-2 tại Campuchia.

Việc các cơ sở y tế, bệnh viện bị dịch “tấn công” không chỉ làm ảnh hưởng tới việc thăm khám, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân, trong đó có trường hợp bệnh nặng vì là bệnh viện tuyến cuối ở Trung ương. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khi đi kiểm tra, thị sát tại Bệnh viện K Trung ương cơ sở 3 Tân Triều đã đánh giá tình hình dịch bệnh tại bệnh viện này phức tạp hơn ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) bởi Bệnh viện K cũng là tuyến đầu và có bệnh nhân ở rất nhiều tỉnh, thành phố đến chữa trị, lượng bệnh nhân đông hơn.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, điểm quan trọng nhất để tránh khỏi nguy cơ “vỡ trận” như các nước bị dịch hoành hành nghiêm trọng là phải bảo vệ cho được “thành trì” bệnh viện, không để Covid-19 xâm nhập bệnh viện một cách ồ ạt vì bệnh viện là nơi có nhiều bệnh nhân nặng trong cơn sinh tử. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, bệnh viện là “thành trì” trước dịch, nếu hệ thống bệnh viện suy yếu, thảm họa y tế lẫn nhân đạo có thể sẽ xảy ra.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo thành phố Hà Nội trao hỗ trợ cho các y bác sĩ làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo thành phố Hà Nội trao hỗ trợ cho

các y bác sĩ làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2

Động viên, ủng hộ thiết thực với tuyến đầu chống dịch

Các bệnh viện, cơ sở y tế trong trường hợp bị dịch Covid-19 đe dọa, tấn công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dẫn tới những hệ lụy khác trong xã hội, cộng đồng. Nhất là các trường hợp bệnh viện là tuyến đầu và tuyến cao nhất chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có ca mắc Covid-19, để lây nhiễm dịch sẽ càng khiến dịch diễn biến thêm phức tạp, khó lường.

Bảo vệ bệnh viện an toàn, bảo vệ “thành trì” chống dịch vì thế đang là đòi hỏi, nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu lúc này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, cần bảo vệ bệnh viện bằng mọi giá. Người lãnh đạo cao nhất của TP Hà Nội nhấn mạnh: Không bảo vệ bệnh viện, các y, bác sĩ nếu dương tính hay liên tục cách ly phong tỏa bệnh viện, dịch bùng phát thì rất nguy hại.

Bí thư Thành ủy chỉ đạo, người bệnh khi đến bệnh viện đều phải được kiểm tra nhiệt độ, giám sát về yếu tố dịch tễ; những trường hợp ho, sốt, khó thở, mệt mỏi... đều được tiếp nhận khám tại phòng khám riêng (được sắp xếp gần cổng vào). Có lối vào khu cách ly riêng biệt, trong khu cách ly phân luồng một chiều khi tiếp nhận người bệnh cũng như quy trình khám bệnh, chăm sóc người bệnh của nhân viên y tế (từ khu mặc đồ sạch đến khu khám, điều trị, làm thủ thuật hay khu thay đồ bẩn, khu hành chính...); khu cách ly thường xuyên được khử khuẩn toàn bộ bề mặt.

Toàn bộ người bệnh khám chữa bệnh tại bệnh viện ngoài điều trị về chuyên môn, đều phải được quản lý về yếu tố dịch tễ. Không để người thân, người nhà vào thăm người bệnh điều trị nội trú, mỗi người bệnh chỉ được tối đa một người nhà chăm sóc (người nhà này phải khai báo y tế đầy đủ, được bệnh viện quản lý). Những người bệnh có yếu tố dịch tễ hoặc có các biểu hiện nghi ngờ hoặc ở các khoa trọng yếu như Cấp cứu, Hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo... được chủ động lấy mẫu sàng lọc.

Nhân viên y tế được trang bị đủ phương tiện phòng hộ; được tập huấn kỹ về quy trình sử dụng phương tiện phòng hộ. Toàn bộ nhân viên y tế đã được xét nghiệm sàng lọc (kết quả âm tính). Tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 cho các y, bác sĩ. Tuyến dưới điều trị khám bệnh tại địa phương nếu không phải bệnh hiểm nghèo, cấp cứu, bệnh không cần thiết chăm nom thì không được chăm nom; Bệnh nhân không có khả năng tự phục vụ thì chỉ được một người nhà chăm sóc, người này phải kiểm tra y tế, kiểm soát đi lại theo quy định để phòng chống, ngăn chặn bằng được dịch Covid-19.

Đi kiểm tra, thị sát tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) ngày 8-5 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng động viên, đề nghị cán bộ, y, bác sĩ, bệnh nhân tại bệnh viện vững vàng, thật bình tĩnh, tỉnh táo thực hiện nghiêm yêu cầu cách ly, ngăn chặn tối đa tình trạng lây chéo trong bệnh viện và phát tán mầm bệnh ra bên ngoài. Bí thư Thành ủy khẳng định, các cơ quan thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế cũng như chủ động bám sát tình hình để hỗ trợ kịp thời bệnh viện.

Để kịp thời hỗ trợ, động viên cán bộ, y, bác sĩ, bệnh nhân tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trao tặng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương quà hỗ trợ của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội gồm 1.000 mũ chắn giọt bắn, 5.000 khẩu trang và 500 bộ đồ bảo hộ. Đây là sự động viên, ủng hộ kịp thời, thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô với những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch.

“Bảo vệ bệnh viện an toàn, bảo vệ “thành trì” chống dịch vì thế đang là đòi hỏi, nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu lúc này. Cần bảo vệ bệnh viện bằng mọi giá. Không bảo vệ bệnh viện, các y, bác sĩ nếu dương tính hay liên tục cách ly phong tỏa bệnh viện, dịch bùng phát thì rất nguy hại”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng